Tin tức

Hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng

Thứ sáu, 26/02/2021 - 08:33

(Lamdongtv.vn) - Những năm qua, nhiều nông hộ ở huyện Đức Trọng mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển kinh tế bền vững.

Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được nhân rộng trên địa bàn
Đầu năm 2020, gia đình ông Nguyễn Khánh Chấn ở thôn Đà Thuận, xã Đà Loan mạnh dạn đầu tư trên 4 tỷ đồng để cải tạo ruộng lúa một vụ, chuyển sang làm 4 ha nhà lưới trồng rau quả thương phẩm. Nhờ áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, đầu tư mua máy móc, hệ thống tưới tự đông, cộng với tích lũy kinh nghiệm từ bản thân nên thời điểm nào gia đình ông Chấn cũng có rau quả thu hoach. Với 3 giống cây chủ lực là dưa leo baby, cà chua, ớt chuông được trồng luân canh, gối vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm vừa qua, trừ hết nguồn vốn đầu tư ban đầu, gia đình ông Chấn còn lãi trên 1 tỷ đồng. Hiện toàn xã Đà Loan có trên 500 ha rau thương phẩm sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, tăng gấp 5 lần so với năm 2016.
Ông Nguyễn Khánh Chấn - xã Đà Loan, huyện Đức Trọng nói : “Với vườn rau công nghệ cao của mình có nhiều nông dân trong vùng đến học hỏi và làm theo. Nhiều hộ đã áp dụng thành công trên khu vườn của mình. Hơn nữa, khu vườn của gia đình tôi cũng đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương”.

Với trang trại chăn nuôi heo của chị Vũ Thị Phượng ở thôn Đà Giang, xã Đà Loan được đầu tư khá bài bản, cách xa khu dân cư. Thời điểm nào, trong chuồng của gia đình chị cũng có trên 300 con heo thịt và 50 con heo nái. Nhờ đầu tư chăn nuôi khép kính từ con giống, cho đến khi heo xuất chuồng nên tránh được nhiều rủi ro, hiệu quả kinh tế lại cao. Năm 2020, xuất chuồng trên 80 tấn heo thịt, với giá bình quân trên 70 nghìn đồng/kg, trừ chi phí gia đình chị Phượng thu về trên 2,5 tỷ đồng. Hiện tổng đàn heo của xã Đà Loan có trên 2.500 con, nhiều nông hộ đầu tư bài bản, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, phát triển kinh tế bền vững. 
Chị Vũ Thị Phượng - xã Đà Loan, huyện Đức Trọng nói : “Thời gian qua, heo rất có giá nên yên tâm đầu tư... Tôi rất chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, như hạn chế cho người lạ vào chuồng, thường xuyên rắc vôi bột, sát trùng chuồng trại phòng chống dịch”

Xã Đà Loan có trên 3.300 ha đất nông nghiệp. Trong những năm qua, việc chuyển đổi từ đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây như rau thương phẩm, cây ăn trái, dâu tằm, … phát triển chăn nuôi heo, bò siêu thịt cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao; góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Toàn xã có trên 2.200 hộ dân, chỉ còn 37 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 48 triệu đồng/người/năm.
Ông Phạm Đình Khiêm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đà Loan, huyện Đức Trọng cho biết : “Trong những năm qua, nông dân xã Đà Loan đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên hiệu quả kinh tế khá cao, nhiều mô hình kinh tế được người dân học hỏi và nhân rồng. Đến nay, bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 250 triệu đồng/ha. Đời sống người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt”

Ngoài việc chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, hình thành các mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt, xã Đà Loan còn thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, làm tăng giá trị sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân.
Thế Hạnh - Mạnh Thành

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa