Tin tức

Hội nghị trực tuyến : Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước

Thứ sáu, 05/11/2021 - 08:40

(Lamdongtv.vn) - Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước

Chiều 4/11, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước,
Tại điểm cầu Lâm Đồng, ông Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh, ông K’Máck - UVBTV Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các Sở ngành hữu quan đã tham dự.   
 

 
         Thời gian qua, để thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đổi mới tư duy xây dựng chính sách, pháp luật từ quản lý chặt chẽ sang tạo hành lang, khuyến khích phát triển.
Theo đó, các Bộ, ngành đã tham mưu, trình Chính phủ để đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện các Luật liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh và triển khai các cam kết quốc tế, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết và trình Chính phủ ban hành một số lượng lớn nghị định để hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Kết quả cho thấy, phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước đang từng bước được điều chỉnh theo yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và khai thác tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
 

 
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng đã nêu ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục về: Phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, ngành; giữa Chính phủ, các Bộ, ngành với chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế, có mặt bất cập. Vẫn còn tình trạng phân quyền trực tiếp cho các Bộ, ngành ngay trong các luật chuyên ngành, đặc biệt là việc quy định một số Bộ, ngành cùng tham gia quản lý về một ngành, lĩnh vực. Phân cấp, phân quyền trên một số ngành, lĩnh vực chưa hợp lý, chưa mạnh mẽ và thiếu đồng bộ về thẩm quyền quyết định và các nguồn lực, điều kiện đảm bảo thực hiện; theo đó, chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, tính chủ động, sáng tạo của các địa phương. Trước những hạn chế còn tồn tại, hội nghị đã đưa ra những định hướng, giải pháp để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong nhà nước. Cụ thể: Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật chuyên ngành theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các Bộ, ngành, giữa Chính phủ, các Bộ, ngành với chính quyền địa phương.
 
Về phân quyền: Tập trung nghiên cứu để thực hiện phân quyền quản lý nhà nước đối với 13 ngành, lĩnh vực, dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới  nhiều Luật; nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về phân cấp: 8 ngành, lĩnh vực cần hoàn thiện các quy định về phân cấp giữa Chính phủ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, dự kiến sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới 9 Nghị định, 16 ngành, lĩnh vực cần hoàn thiện các quy định về phân cấp giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ với chính quyền địa phương dự kiến sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các Nghị định của Chính phủ v.v.
 

 
Trên cơ sở đó, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, loại bỏ các quy định phải có ý kiến thỏa thuận, chấp thuận, xin ý kiến, cho phép của cơ quan nhà nước cấp trên đối với những vấn đề đã được quản lý trên cơ sở quy hoạch và xác định rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn tiêu chí, điều kiện, định mức kinh tế - kỹ thuật và đã được phân cấp, phân quyền quản lý. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chủ trương của Bộ Chính trị để phát triển các địa phương này trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của vùng, miền, đặc biệt là các địa phương tự bảo đảm ngân sách. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, phân quyền./.
Thùy Dương

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa