Tin tức

Người dân thêm khó khăn vì giá nguyên liệu tăng vọt

Thứ sáu, 12/11/2021 - 09:13

Dịch bệnh kéo dài đã khiến thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Cùng với đó, thời điểm này, các loại nhiên liệu như xăng dầu và gas lại tăng giá chóng mặt. Điều này đã gây nên áp lực rất lớn cho đời sống của người dân trong bối cảnh hiện nay


 
Cả ngày hôm nay, công việc của anh Nguyễn Hà Trung chỉ là chạy xe từ nhà ở phường Duy Tân ra bến xe Kon Tum. Chẳng có lượt khách nào nên đến tận cuối giờ chiều, chiếc xe vẫn chưa rời khỏi vị trí đậu lúc sáng. Trước kia, nếu như không có khách, anh vẫn chạy lòng vòng vài điểm trong thành phố để tìm khách, nhưng nay, giá xăng dầu tăng nên anh không chạy tìm khách. 
 
Anh Nguyễn Hà Trung -  Phường Duy Tân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum nói: Ngày nay coi như mình ra đi là không đạt được gì, lỗ tiền nhiên liệu, tiền nhiên liệu duy trì hàng ngày chạy xe, nếu một ngày không đạt sẽ tốn tiền đóng, tiền đài cho công ty hàng tháng nữa, mình chạy không có tiền mình sẽ tốn những khoản đó, rất nhiều chi phí.
 

 
Ông Trần Hữu Bình, một lái xe ôm tại thành phố Kon Tum tính toán, từ khi giá xăng tăng hơn 24 ngàn đồng/ lít, chi phí xăng xe của ông tăng lên 50%. Nhưng ngược lại, bảng giá dịch vụ đưa đón khách hay hàng hóa vẫn phải giữ nguyên. Thu nhập vì thế lại tiếp tục giảm. Cách duy nhất để ông trang trải cuộc sống hiện tại là cố gắng tiết kiệm hết mức có thể.
 
Ông Trần Hữu Bình - xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum nói: Bây giờ tiết kiệm bớt đi, ví dụ trước kia ăn sang hơn, trước tô phở thì bây giờ ăn tô cơm ở nhà hoặc ăn mỳ tôm, về trồng thêm rau lúc ngoài giờ làm việc.
Từ ngày 26/10, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng và cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Trong đó, xăng E5RON92 và RON95 tăng thêm hơn 1.400 đồng/ lít, ở mức từ hơn 23 đến hơn 24 ngàn đồng/ lít. Dầu Diesel cũng tăng thêm gần 8,5% và dầu hỏa gần 7,4%.
 Mấy tháng qua, giá gas cũng liên tục tăng. Anh Đỗ Đình Thi, một hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống cho biết, loại bình gas 12kg anh thường dùng giá đã tăng cao, hiện ở mức từ 460 – 500 ngàn đồng/ bình, tùy loại. Giá gas tăng, chi phí của quán cũng tăng lên theo.

Anh Đỗ Đình Thi - Phường Duy Tân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum cho biết: Mình cứ cầm cự qua đợt dịch đã, bây giờ mua bán khó khăn, giá cả vật giá lên, lượng khách đi xuống, cuộc sống hiện tại ảnh hưởng trực tiếp, bây giờ cố gắng thế nhưng tình hình chung, còn biện pháp vẫn đang tìm cách nhưng chưa biết như thế nào cả.

 
Dù anh Trung đã có 5 năm gắn bó với nghề lái taxi, cũng đã cố gắng cầm cự sau gần 2 năm khó khăn vì dịch bệnh, tuy nhiên, sự ế ẩm và giá xăng dầu tăng cao liên tục đã trở thành một gánh nặng vượt quá khả năng chi trả của anh.
Anh Nguyễn Hà Trung - Phường Duy Tân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum nói thêm: Cuối năm nay mà dịch bệnh còn và xăng như thế mình phải chuyển đổi không theo được nghề này, về cuộc sống còn có gia đình con cái, nếu mình ra mà chạy không được sẽ tiêu tốn rất nhiều khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày, tiền duy trì xe cộ, bảo dưỡng xe, rất nhiều.
Giá nhiên liệu tăng cao, nhiều người chọn cách cầm cự với hi vọng dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát. Nhưng cũng có nhiều người, như anh Trung bắt đầu có những dự định mới. Dẫu vậy, họ cũng không chắc những tính toán này liệu có làm cuộc sống đỡ vất vả hơn lúc này hay không?
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa