Tin tức

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công tháng cuối năm

Thứ hai, 20/12/2021 - 18:46

Năm 2021, nền kinh tế tiếp tục bị dịch bệnh làm suy giảm các động lực tăng trưởng, tỷ lệ giải ngân thấp gây lãng phí nguồn lực. Nhận diện đúng và xử lý kịp thời các điểm nghẽn để giải ngân đầu tư công là việc làm bức thiết ngay trong những tháng cuối năm.Điều này nhằm góp phần kích thích tổng cầu, tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.

 
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, tỷ lệ giải ngân 11 tháng của cả nước ước đạt 63,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 
Hiện có 7 bộ và 14 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 70% nhưng có tới 34 bộ và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó có 19 bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%.
Như vậy, tỷ lệ giải ngân 11 tháng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra với rất nhiều lý do. 

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho hay:  Khó từ giai đoạn đầu chủ trương đầu tư cho đến dự án chính thức khởi công, thủ tục về đất đai…giai đoạn chuẩn bị đầu tư mất hơn một tháng, nhiều thủ tục như đánh giá tác động môi trường, chưa có dự án nào thẩm định dưới 3 tháng mà phải từ 3 đến 5,6 tháng, nửa năm rồi, về chỉnh sửa lùi lại, mà không có cái ấy là không lập được dự án. 

Ông Trần Quang Sơn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Đắk Lắk cho biết:  Lý do khách quan là dịch bệnh giãn cách theo Chỉ thị 16, các dự án ODA bị hạn chế, chuẩn bị đầu tư và hoạt động đấu thầu kéo dài so với kế hoạch, giá sắt thép tăng, thời tiết bất lợi…

Trong bối cảnh đầu tư tư nhân sụt giảm và những ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh, thì đầu tư công đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế, kết nối và lan tỏa sang các ngành, lĩnh vực khác.

Ông Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nói: Kích cầu về đầu tư công là kích cầu Chính phủ nên đây chính là động lực quan trọng, năm 2020 chúng ta thúc đẩy rất tốt, đương nhiên năm 2021 chúng ta phải nhìn thấy đây là động lực quan trọng, chúng ta phải tăng tốc độ cao nhất để có thể thúc đẩy không chỉ là cầu tiêu dùng mà nó lan tỏa đến các doanh nghiệp, các nguồn đầu tư tư nhân để tạo ra nguồn lực đầu tư mới cho nền kinh tế

Để thúc đẩy giải ngân trong những tháng cuối năm,Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1962 thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; và đề xuất, kiến nghị các giải pháp.

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tôi rất kỳ vọng tác động 6 đoàn đôn đốc sẽ chuyển biến vốn đầu tư công của những ngày cuối năm 2021 và cái tháng 1 theo niên độ quyết toán của nhà nước 2022 sẽ đẩy cao hơn nữa tốc độ giải ngân và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2021

Dù đã đề xuất 5 nhóm giải pháp, Nhưng trước tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn mong muốn các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn trong triển khai mỗi dự án. Bộ cũng nhấn mạnh, năm 2020, đầu tư công chiếm tới 25% tổng vốn đầu tư của xã hội và là động lực tích cực cho tăng trưởng GDP của cả nước. Nếu đẩy nhanh được tiến độ trong những tháng cuối năm 2021 này, thì chắc chắn đầu tư công sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng, giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn của đại dịch và phục hồi./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa