Tin tức

Hội nghị phát triển chăn nuôi tằm bền vững tại Đà Lạt

Thứ hai, 09/03/2020 - 09:05

(Lamdongtv.vn) - Tại thành Phố Đà Lạt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị phát triển chăn nuôi tằm bền vững

Dự hội nghị có ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng cục chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Về phía tỉnh Lâm Đồng có Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các nhà sản xuất, kinh doanh tơ lụa trên cả nước và các cán bộ làm công tác quản lý chăn nuôi của các địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu đại diện cho Cục chăn nuôi, Cục thú y, Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam... đã tập trung phân tích, thảo luận về các vấn đề liên quan tới: thực trạng và giải pháp phát triển sản xuất chăn nuôi tằm bền vững, công tác kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi tằm và kiểm dịch vận chuyển tằm, công tác giống tằm, thị trường của ngành tằm dâu v.v... Theo đó, hiện nay trên cả nước có 32 tỉnh có nghề trồng dâu nuôi tằm, trong đó vùng Tây Nguyên chiếm gần 73%. Cả nước có  gần 12 nghìn ha dâu, năng suất dâu đạt 35 đến - 40 tấn lá/ 1 ha. Sản lượng kén tính đến cuối 2019 là trên 9 nghìn tấn. Đối với vấn đề giống tằm có hai loại chính là tằm dâu và tằm sắn, về nguồn giống thì hiện Việt Nam đang chủ động được hoàn toàn nguồn giống đa hệ kén vàng, tuy nhiên nhược điểm của giống tằm này là chất lượng tơ không tốt như giống lưỡng hệ. Đối với giống lưỡng hệ kén trắng thì 90% phải nhập qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc.
Theo đánh giá chung Việt Nam là nước có nhiều lợi thế để phát triển trồng dâu, nuôi tằm đặc biệt là một số địa phương có lợi thế như Lâm Đồng, Sơn La. Những năm qua Việt Nam đã chọn tạo được những giống dâu mới cho năng suất, chất lượng lá tốt, đáp ứng hoàn toàn nhu cầu sản xuất. Bên cạnh những thuận lợi thì ngành dâu tằm tơ Việt Nam cũng đứng trước những thách thức như: chưa chủ động được nguồn giống tằm lưỡng hệ kén trắng năng suất cao, là một quốc gia đứng thứ 5 về sản xuất kén nhưng vẫn phải nhập tơ để sản xuất gia công hàng tơ lụa. 
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng : Hạ tầng của chúng ta cón hạn chế nên là chúng ta dù đứng ở thứ vị cao nhưng vẫn phải nhập khẩu tơ, và phụ thuộc tằm giống, muốn phát triển thì phải làm nhiều việc, đó là coi nuôi tằm là một trong những ngành chăn nuôi chủ lực và đẩy mạnh nghiên cứu, xúc tiến thương mại…
    Theo số liệu năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu 20 triệu USD tơ tằm và giảm lượng nhập khẩu nhờ tăng năng lực sản xuất trong nước, tốc độ tăng trưởng của ngành tằm tơ cũng đạt được những kết quả ấn tượng. Theo thống kê của Uỷ ban dâu tằm tơ quốc tế, sản lượng tơ lụa của Việt Nam liên tục tăng từ năm 2014 từ 42O tấn lên khoảng 680 tấn mỗi năm, vượt qua Brazin và vươn lên vị trí thứ 4 sau Trung Quốc, Ấn Độ Và Uzebekistan. Đây được cho là cơ hội tốt cho ngành tằm tơ Việt Nam, nhưng muốn phát triển bền vững hơn nữa thì ngành nông nghiệp cần có những chủ trương, quy hoạch cụ thể để phát triển. Nhất là việc đưa ra các giải pháp quản lý đối với giống tằm, giống dâu, tháo gỡ những vướng mắc trong việc nhập khẩu trứng tằm, các địa phương có tiềm năng cũng cần chủ động về cơ sở vật chất để tham gia hệ thống phát triển giống nuôi. Đối với công tác quản lý nhà nước, cần xây dựng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm dâu tằm và thực hiện điều tra, khảo sát đánh giá thực cung ứng, sử dụng trứng tằm đề có chiến lược phát triển lâu dài. Cùng với đó cũng cần được kết sản xuất dâu tằm với các làng nghề dệt lụa hình thành nên chuỗi dâu, tằm, tơ, lụa nhằm khai thác thế mạnh và giá trị lịch sử, văn hóa, đảm bảo thị trường tiêu thụ bền vững, nâng cao hiệu quả cho người nuôi tằm và các tác nhân tham gia trong chuỗi./.
Thùy Dương

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa