Tin tức

Xả rác nhiều, trả tiền nhiều

Thứ bảy, 16/05/2020 - 06:55

Hiện nay, mỗi tháng, chúng ta đang trả tiền cho việc thu gom vận chuyển rác sinh hoạt theo mức bình quân đầu người/hộ gia đình. Nhưng nếu theo dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi, trong tương lai, việc trả phí xử lý rác thải sẽ có nhiều thay đổi

Việc thu phí sẽ dựa trên nguyên tắc: ai xả càng nhiều rác thì phải trả càng nhiều tiền. 
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo, trong đó có nội dung đáng chú ý là nguyên tắc: “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Nguyên tắc này được áp dụng theo bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc - đất nước đã khá thành công trong việc phân loại và xử lý rác sinh hoạt.

Tiến sĩ Kim In Hwan, Nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc cho biết : Hàn Quốc chúng tôi đã luật hóa việc này. Hệ thống áp phí xử lý chất thải được tính theo khối lượng, có nghĩa là các hộ gia đình khi có rác cần phân hủy họ phải trả phí theo lượng rác mà họ xả ra. Tức là càng xả nhiều rác thì phí càng cao. Chính quyền địa phương sẽ quản lý việc này.
Vậy, việc thu phí người dân xả rác ít hay nhiều sẽ được tính như thế nào? 
Theo dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi, việc thu tiền xả rác tại đô thị sẽ thông qua hình thức bán túi chứa rác thân thiện với môi trường. Những hộ xả nhiều rác phải trả nhiều tiền hơn để mua túi đựng rác. Nhiều ý kiến cho rằng, về lý thuyết đây là quan điểm rất đúng và công bằng.  

TS Vũ Thị Kim Tuyến - Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nói :  Chính quyền sẽ bán túi để phân loại rác tại nhà, các túi đấy là công cụ để đo đếm việc xả rác, vd túi 3kg-5kg, dung nhiều túi = trả nhiều tiền. Tuy nhiên trong quản lý cần đưa ra những quy định cụ thể để nâng cao ý thức cho người dân.
Các chuyên gia cũng góp ý, khi thu phí xả rác theo cách mới, cần tính toán đến các hộ khó khăn, hộ nghèo, bên cạnh đó, tính toán chặt chẽ các quy định, ai sẽ là đơn vị bán túi, ai sẽ là người giám sát việc xả rác đúng luật, chế tài sẽ ra sao? Và quan trọng hơn cả,  vấn đề phân loại rác tại nguồn mới chính là gốc rễ của việc xử lý rác sinh hoạt. 
GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nói : Tôi cho rằng khái niệm xả rác nhiều hay ít không quan trọng bằng việc phân loại rác tại nguồn là bởi vì phân loại từ hộ gia đình sẽ giảm chi phí đi rất nhiều. Thế thì, hãy đặt vđ ngược lại, nếu nhà nước tổ chức được việc phân loại rác, vận chuyển đc theo nhiều loại xe rác khác nhau, nhiều thùng rác khác nhau, ai phân loại đc sẽ đc thưởng, tôi cho rằng như vậy còn thú vị hơn ai xả nhiều trả nhiều, vì chúng ta rất cần những bước tiến bộ vượt bậc trong câu chuyện xử lý rác trong khu dân cư… 
Thực tế cho thấy, mức phí xử lý rác thải hiện nay mới chỉ đáp ứng được chi phí thu gom, vận chuyển mà chưa tính được phí xử lý rác thải. Trong khi đó, do chưa phân loại được rác tại nguồn, công nghệ xử lý lạc hậu, chi phí thấp nên việc xử lý rác sinh hoạt chủ yếu theo hình thức xử lý chôn lấp thủ công,  nhiều bãi chứa rác luôn trong tình trạng ô nhiễm và quá tải./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa