Tin tức

Lỗ hổng tại các trung tâm bảo trợ xã hội

Thứ tư, 17/06/2020 - 07:06

Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc tại các trung tâm bảo trợ xã hội ở Hà Nội, Hồ Chí Minh… khi một số cá nhân lợi dụng việc tổ chức quản lý chưa chặt chẽ của trung tâm, lợi dụng hoạt động trợ giúp, quan tâm của các mạnh thường quân để trục lợi

Cả nước hiện có 402 cơ sở bảo trợ xã hội, đang nuôi dưỡng trên 40 nghìn đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc tại các trung tâm bảo trợ xã hội ở Hà Nội, Hồ Chí Minh… khi một số cá nhân lợi dụng việc tổ chức quản lý chưa chặt chẽ của trung tâm, lợi dụng hoạt động trợ giúp, quan tâm của các mạnh thường quân để trục lợi

Qua vụ việc này đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý hoạt động của các trung tâm bảo trợ xã hội?
Ngày 12/5, Thanh tra TPHCM kết luận, Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè đã chia hơn 760 triệu đồng tiền từ thiện để ngoài sổ sách cho cán bộ, nhân viên trong thời gian từ đầu năm 2018 đến cuối tháng 4.2019. 
Trước đó, tại Nghệ An, Trung tâm bảo trợ xã hội ăn chặn gần 800 triệu tiền mua thức ăn, quần áo, trang thiết bị cho người tâm thần, tàn tật, già cả và cô đơn... Hay việc một số cán bộ tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội năm 2019 đã ăn chặn hàng từ thiện của đối tượng bảo trợ xã hội gây bức xúc trong dư luận.
Những sự việc này cho thấy lỗ hổng trong công tác quản lý hoạt động từ thiện tại các trung tâm bảo trợ xã hội.

Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII nói : mọi việc phải là minh bạch, minh bạch từ chuyện từ thiện, ai góp, góp bao nhiêu tiền, góp cái gì, sản phẩm gì, góp cho ai cho nên cái chuyện này chúng ta mới kiểm tra được tiền ấy đến đúng đối tượng không. Người ấy có được nhận đúng số tiền mà người ấy được hưởng không. Đặc biệt là minh bạch trong tài chính, vật chất là quan trọng nên tôi đề nghị các đồng chí phải đưa ra các nguyên tắc trong hoạt động là quan trọng chi cho ai, và chi như thế nào..

Trên thực tế, các quy trình tiếp nhận và quản lý quà từ thiện của các tổ chức xã hội nhân đạo dưới sự Quản lý Nhà nước đều đã có quy định pháp luật. Song vấn đề chính nằm ở trách nhiệm người đứng đầu mỗi đơn vị.

Ông Hoàng Thành Thái – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho hay : Quy định, quy trình, quy chế của đơn vị đều có, và chỉ đạo của Sở đến các trung tâm đều đã có nhưng việc vận hành quy trình đó như thế nào là do các trung tâm, nếu vận hành mà thấy lỗ hổng thì phải khắc phục các quy trình đó…

Ông Tô Đức - Phó Chánh văn phòng giảm nghèo quốc gia nói : vai trò điều phối hoạt động thiện nguyện giữa các trung tâm bảo trợ xã hội và các mạnh thường quân sao cho đúng các thứ mà các cháu cần…
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần đến từ việc chậm trễ trong xã hội hóa các trung tâm bảo trợ xã hội. Chủ trương năm 2016 các trung tâm sẽ tự chủ kinh phí chăm sóc và trợ giúp đối tượng; năm 2017 tự chủ tiền lương; năm 2018 tự chủ khấu hao tài sản cố định, năm 2020 tự chủ toàn phần. Song đến nay chủ trương này vẫn ì ạch tại chỗ. (ĐỒ HỌA QUY TRÌNH CÁC NĂM )

Bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hiệp hội Công tác xã hội Việt Nam cho biết : Cái quan niệm của chúng ta là công tác xã hội là công tác từ thiện, và ai cũng phải làm nhưng quá trình phát triển đến bây giờ ấy thì thế giới đi trước chúng ta cả 2 linh vực. Lĩnh vực một từ thiện, tình nguyện. Nhưng lĩnh vực thứ hai phải chuyên nghiệp hóa, luật hóa và muốn chuyên nghệp hóa luật hóa thì phải đào tọa theo chuẩn mực và phải có luật để đảm bảo công bằng, tiến bộ công khai…

Như vậy, cần có những cuộc tổng rà soát và đánh giá lại quy trình hỗ trợ tại các trung tâm nhân đạo, cơ sở bảo trợ xã hội cả công lập và tư nhân để không còn những chuyện đau lòng hơn với những nhóm vốn đã yếu thế trong xã hội. 
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa