Tin tức

Đô thị hóa và sự phát triển bền vững của thành phố

Thứ sáu, 25/09/2020 - 07:45

(Lamdongtv.vn) - Đô thị hóa là kết quả tất yếu của sự phát triển kinh tế - xã hội gắn với quá trình Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, được hình thành và phát triển ở các thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh

Và quá trình đô thị hóa tác động hết sức tích cực đến cơ sở hạ tầng cũng như mức sống của người dân trên địa bàn. Vì vậy, Đại hội Đảng bộ của 2 Thành phố lớn trong tỉnh là Đà Lạt và Bảo Lộc vừa được tổ chức thành công đã  xác định rõ sự tăng trưởng và tốc độ đô thị hóa của thành phố chính là điều kiện và là động lực để xây dựng và phát triển thành phố một cách bền vững. Đó cũng chính là kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương vào sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các TP trong nhiệm kỳ mới, để tạo ra bước đột phá trong tiến trình đô thị hóa một cách bền vững.
Với chủ đề: “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; không ngừng đổi mới, sáng tạo; đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh, phát triển toàn diện, bền vững”, Đại hội Đảng bộ Tp Đà Lạt lần 12, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thành công cả về nội dung văn kiện, phương hướng nhân sự và mục tiêu phát triển. Cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố Đà Lạt đánh giá cao và phấn khởi những dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ qua. Nền kinh tế có bước đột phá toàn diện, tăng trưởng 5 năm qua đạt hơn 10,5%. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ; an sinh xã hội và đời sống người dân được bảo đảm. Đà Lạt xứng đáng vùng kinh tế trọng điểm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; là trung tâm du lịch - dịch vụ chất lượng cao và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; điểm đến hấp dẫn của một trong 50 thành phố đáng đến, đáng sống nhất trên thế giới.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố Đà Lạt đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 10%/năm; đồng thời xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm, 5 khâu đột phá và 5 công trình dự án trọng điểm. Về phát triển đô thị, thành phố triển khai xây dựng thành phố thông minh, đô thị di sản, đô thị tăng trưởng xanh cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên hạ tầng giao thông, đô thị và các lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Cùng với đó là nâng cao chất lượng quy hoạch chùng và vùng phụ cận đã được phê duyệt; tăng cường quản lý đô thị, đảm bảo môi trường cảnh quan, đất đai, dân số, môi trường sống… Tuy nhiên, với áp lực dân số khá cao trên 227 nghìn người; Lượng du khách tăng nhanh qua hàng năm hơn 6 triệu lượt khách/ năm … là những thách thức không nhỏ cho thành phố trong lộ trình phát triển. 
Bảo Lộc, đô thị phía Nam của tỉnh Lâm Đồng. Trong thời gian qua, công tác tổ chức  Đại hội Đảng các cấp trên địa bàn Tp đã đảm bảo các yêu cầu theo tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 96 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng. Và từ thành công của Đại hội cấp cơ sở, công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ thành phố Bảo Lộc đã hoàn thành thắng lợi các mục tiêu về nội dung văn kiện và  công tác nhân sự Đại Hội. Kết quả của Đại hội đã nhận được sự quan tâm, kỳ vọng của người dân thành phố.

Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng đô thị, thương mại, dịch vụ thành phố Bảo Lộc phát triển nhanh, tương đối đồng bộ. Thành phố có 6/6 phường đạt chuẩn văn minh đô thị; 5/5 xã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thành phố đạt 41/51 tiêu chuẩn trong hệ thống tiêu chí của đô thị loại 2. Bảo Lộc phấn đấu xây dựng thành phố đạt đô thị loại 2 trước năm 2025. Với tốc độ đô thị hóa hiện đạt hơn 55%, một con số chưa phải chịu nhiều áp lực trong phát triển, thành phố đề ra mục tiêu xây dựng hạ tầng đồng bộ, là đô thị hạt nhân phía Nam của tỉnh, trung tâm Tiểu vùng 3, đáp ứng yêu cầu theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn 2050… Để làm được điều này, Bảo Lộc tập trung thu hút đầu tư gắn với phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng các điều kiện về tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và vấn đề môi trường thành phố.
Đầu tư phát triển đô thị một cách đồng bộ, hiện đại, thành phố Đà Lạt và thành phố Bảo Lộc đã và đang xây dựng các cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư chỉnh trang, phát triển đô thị, khai thác các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật để nâng cao các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật và môi trường, như: tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải, tỷ lệ cây xanh, cung cấp nước sạch, chiếu sáng; quản lý kiến trúc đô thị nhằm bảo đảm bộ mặt kiến trúc đô thị vừa khang trang, hiện đại vừa mang đậm nét truyền thống nhưng vẫn giữ được giá trị vốn có của những thành phố đặc thù trên cao nguyên./.
Mạnh Thành

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa