Tin tức

Xuất khẩu lô hàng cá ngừ đầu tiên vào Châu âu sau EVFTA

Thứ ba, 13/10/2020 - 06:24

Kể từ sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, đã có nhiều lô hàng nông thủy sản của Việt Nam được xuất sang thị trường Châu âu và được hưởng các ưu đãi về thuế như cam kết. Mở ra hàng loạt cơ hội cho hàng hóa Việt Nam dần tiến sâu hơn vào thị trường tiềm năng này

Trong sáng nay, tại Khánh Hòa, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô hàng cá ngừ đầu tiên sang châu Âu. Đây được xem là sự kiện quan trọng, là bước khởi đầu thuận lợi đối với nghề khai thác, đánh bắt và chế biến cá ngừ nói riêng và với ngành nông nghiệp của Khánh Hòa nói chung, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Trong đợt xuất hàng lần này, 2 container mang theo 48 tấn hàng cá ngừ đông lạnh và đóng hộp với trị giá khoảng 400 ngàn USD của Công ty TNHH Hải Vương được xuất thẳng sang thị trường Châu âu. Theo đại diện công ty, các mặt hàng này sẽ nhận được các ưu đãi về thuế quan tại thị trường này. Thậm chí, mặt hàng cá ngừ đóng hộp sẽ có thuế suất còn 0%. Đây là tin vui đối với rất nhiều doanh nghiệp đang sản xuất, chế biến cá ngừ trong cả nước. Bởi, sức cạnh tranh của sản phẩm cá ngừ đến từ Việt Nam sẽ được nâng lên đáng kể.
Những lô hàng cá ngừ đầu tiên được xuất sang Eu đã cho thấy sự tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế trong việc tiếp cận với Hiệp định EVFTA, tạo xung lực mới cho tăng trưởng và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Cùng với những ưu đãi về thuế quan, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tại nhà của người Châu Âu cũng tăng mạnh do tác động của đại dịch Covid-19, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam. Tính đến hết tháng 7/2020, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường EU đạt trung bình khoảng 10,5 triệu USD/tháng. Kể từ sau khi EVFTA có hiệu lực vào ngày 01/8/2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ đã tăng lên 11,4 triệu USD (tăng 8,6%) và tháng 9 là 11,9 triệu USD (tăng 13,3%) so với các tháng trước đó.
EVFTA có hiệu lực được xem là dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử kinh tế thương mại của Việt Nam, mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu nhiều mặt hàng nông thủy sản; nâng cao giá trị gia tăng, tạo ra sức lan tỏa đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu khác. Từng bước góp phần vào cải thiện đời sống ngư dân, người lao động. Song, để đảm bảo xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam sang EU thuận lợi và bền vững thì ngư dân, doanh nghiệp khai thác cần đảm bảo triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế về chống khai thác IUU; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thương nhân nước ngoài đến thăm quan, khảo sát và tìm hiểu về thủy sản và nghề cá Việt Nam; kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài nước đầu tư triển khai các dự án chế biến thủy sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân.
Ông Ruben Saornil Mingeuez – Phó Đại diện Thương mại Tây Ban Nha tại Việt Nam : “Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực để khắc phục" thẻ vàng thuỷ sản của Uỷ ban châu Âu (EC). Theo quy trình, sau khoảng 6 tháng kể từ khi rút thẻ vàng, tức là đến ngày 23/4/2018, khi có kết quả của đoàn kiểm tra của của Uỷ ban Châu Âu về việc triển khai các quy định về IUU của EU, nếu việc triển khai các qui định của EU về IUU có tiến bộ, EC có thể gia hạn để hoàn thiện các nội dung còn thiếu. Ðể gỡ “thẻ vàng” của EC, Việt Nam đã tuyên truyền, vận động ngư dân sớm thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu đánh bắt xa bờ. 80% tàu cá đã được lắp đặt công nghệ.”

Theo tính toán, mỗi năm, trung bình 1 người dân Châu âu cần đến 22 kg hải sản, đây là thị trường đầy tiềm năng đối với ngành thủy sản trong tỉnh và cả nước. Dự kiến, trong thời gian tới, Khánh Hòa tiếp tục khuyến khích các nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến các sản phẩm xoài, dứa, bưởi...để tiếp cận với thị trường Châu âu một cách thuận lợi nhất. Việc có mặt ở thị trường châu âu, sẽ là bước đệm quan trọng để các sản phẩm trong tỉnh tiến tới xuất khẩu tại nhiều thị trường khó tính khác. Điều quan trọng, là giữa doanh nghiệp, người nông dân và chính quyền cần tìm thấy mối liên kết trong tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa