Tin tức

Ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV

Thứ năm, 22/10/2020 - 08:46

(Lamdongtv.vn) - Quốc hội đã xem xét cho ý kiến đối với dự án Luật Cư trú (sửa đổi) và dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam và thảo luận trực tuyến về một số nội dung của hai dự thảo Luật

Tại điểm cầu Lâm Đồng, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng; ông Nguyễn Tạo, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh LĐ cùng các vị đại biểu Quốc hội Lâm Đồng, các sở ngành liên quan đã tham dự. 
Trong phiên làm việc sáng 21/10, các vị đại biểu Quốc hội đã nghe ông Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 47 đồng thời nhất trí thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021 như đề xuất của Chính phủ. 
Thảo luận về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), các vị đại biểu Quốc Hội đã cho ý kiến về các quy định liên quan đến khái niệm thường trú, tạm trú, nơi cư trú, tạm trú; điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú; xóa đăng ký thường trú; 
Góp ý về điều khoản thi hành, quy định tại Điều 38 của dự thảo Luật, đa số ý kiến đều cho rằng việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân là hoàn toàn phù hợp với xu thế tất yếu của việc hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hiện nay. Việc chuyển đổi này vừa bảo đảm thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện tốt hơn quyền tự do cư trú, vừa nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
Trong phiên họp làm việc buổi chiều, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Dự án Luật Biên phòng Việt Nam cũng đã được thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9; được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 47 gồm 6 chương, 36 điều, quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng. Những nội dung của dự thảo Luật tiếp tục xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, gồm: Tên gọi, khái niệm "Biên phòng"; phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; chính sách của Nhà nước; nhiệm vụ biên phòng; lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; các hành vi bị nghiêm cấm; nền biên phòng, thế trận biên phòng toàn dân; phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng; hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; trang bị của Bộ đội Biên phòng; bảo đảm chế độ, chính sách về biên phòng; trách nhiệm của Bộ, ban ngành và chính quyền các địa phương …
Theo các đại biểu Quốc hội, mục tiêu của dự thảo Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh bộ đội biên phòng và các văn bản pháp luật khác có liên quan, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ đội biên phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. …
Ngày mai, 22/10, Quốc hội sẽ nghe đại diện Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, và Luật Thỏa thuận quốc tế, thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của hai dự thảo Luật này./.
Hoàng Phúc

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa