Lamdongtv.vn - Suốt gần 20 năm di sản văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, các tỉnh Tây Nguyên đang hướng việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng
bằng nhiều cách thức khác nhau mà trong đó việc phục dựng các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại tỉnh Lâm Đồng luôn được các cấp, các ngành quan tâm .Qua từng nghi lễ được phục dựng đã thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của dân tộc bản địa.
Đây là nghi lễ quan trọng và vô cùng độc đáo, đa dạng của đồng bào dân tộc Mạ đó là lễ hội mừng lúa mới với tên gọi N’ hô R’ he, được tổ chức hàng năm sau vụ thu hoạch lúa rẫy.
Bởi người Mạ quan niệm, lễ mừng lúa mới là dịp để bà con, buôn làng được cầu khấn thần lúa phù hộ cho cuộc sống gia đình ngày càng được ấm no và bình yên.
Do đó sau lúa đã về kho bà con thường tổ chức lễ cúng 3 ngày 3 đêm, tùy theo gia đình làm lễ cúng lớn hay nhỏ. Lễ vật cúng gồm cây nêu và nhà kho nhỏ dựng sẵn, cơm trắng, đọt mây, thịt trâu khô, rượu cần, gừng, gạo, lúa, thóc, trứng gà, cơm, con gà trống. Già làng và chủ nhà tiến hành khấn thần linh, gia đình mời mới tất cả các thần linh cùng với thần lúa phù hộ ban cho gia đình và buôn làng ấm no. Lúa ăn không hết có của ăn của để làm ăn phát đạt hơn trong vụ mùa tới.
Còn đây là tái hiện lại lễ bắt chồng của người Churu bởi với người Chu ru, đám cưới là một sự kiện quan trọng bậc nhất trong cuộc đời con người,
Do đó, việc xem xét, lựa chọn ý trung nhân rất kỹ càng. Khi cô gái đã thích chàng trai nào đó, thì sẽ chủ động yêu nói với Ông cậu hoặc cha mẹ đến ngỏ ý. Tiếp theo là nhà gái tập trung toàn bộ dòng họ lại và hội ý, chuẩn bị các loại Lễ vật như Nhẫn Bạc, Dây cườm, Thổ cẩm, ….
Hôn lễ được tiến hành qua hai giai đoạn là lễ hỏi và lễ cưới. Lễ hỏi được diễn ra ở nhà trai và thường tổ chức vào ban đêm.
Bởi nhà gái giữ ý để khỏi bị điều tiếng với bên ngoài nếu đi bắt chồng không thành. Nghi lễ này thường do ông cậu của nhà gái chủ trì. Lễ vật trong đám hỏi của người Chu ru gồm Dây cườm, Thổ cẩm, Rượu cần, bánh nấu từ nếp và đậu cua, đậu đỏ; lươn khô, mắm cá đồng….…
Việc phục dựng lại các nghi lễ truyền thống như: lễ hội cầu mưa, lễ hội bắt chồng, lễ hội mừng lúa mới do các nghệ nhân , già làng, trưởng bản sinh sống trong vùng đồng bào dân tộc từ xưa đến nay thể hiện hay cùng trải nghiệm trong không gian văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số qua việc uống rượu cần, dệt thổ cẩm , giới thiệu ẩm thực dân gian truyền thống đặc sắc … Tất cả đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa không chỉ cho người dân địa phương được hiểu nét văn hóa riêng của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn lan tỏa cho du khách trong và ngoài nước biết đến về bản sắc riêng của dân tộc bản địa mà ít nơi đâu có được.
Tái hiện, phục dựng lại các nghi lễ trong vùng đồng bào dân tộc sẽ lưu giữ những tập tục, nghi lễ lâu đời, nay đang dần mai một và có nguy cơ thất truyền; đồng thời còn là phương thức khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể để tạo nên sản phẩm du lịch mới nằm trong chiến lược phát triển các chương trình “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” mà ngành văn hóa thể thao – du lịch tỉnh đang triển khai thực hiện xuyên suốt .
Ngoài việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống , mục tiêu xa hơn của tỉnh đó là làm đa dạng hóa các loại hình du lịch tạo nên sản phẩm du lịch mới góp phần thu hút du khách đến với địa phương Lâm Đồng trong thời gian tới ./.
Bich Thảo