Tin tức

Đà Lạt: Giải pháp nào xử lý lấn chiếm lòng suối

Thứ bảy, 23/09/2023 - 05:38

Lamdongtv.vn- Thời gian qua, cũng như nhiều địa phương trong tỉnh, trên địa bàn TP Đà Lạt đã liên tiếp xảy ra hiện tượng ngập úng cục bộ tại một số khu vực, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân và tâm lý của du khách khi đến thành phố Đà Lạt tham quan, nghỉ dưỡng.

 Vậy Đà Lạt cần làm gì để không xảy ra hiện tượng này.
 

Kè bê tông cốt thép lấn suối Cam Ly (đoạn qua thôn Măng Line, P7, TP Đà Lạt) mặc dù đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc tháo dỡ khôi phục lại nguyên trạng từ năm 2020 của UBND Tp Đà Lạt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công trình vi phạm vẫn chưa được tháo dỡ, có dấu hiệu tiếp tục được xây dựng trên phần bờ kè cũ. Vụ việc này gây bức xúc cho người dân địa phương.
 
 
 
Hay như tại khu vực đường Phan Đình Phùng, phường 2, Tp Đà Lạt, gần ngã 4 số 4, một doanh nghiệp tư nhân khi xây dựng nhà hàng, trụ sở kinh doanh đã vi phạm chỉ giới suối, sử dụng thép và ván gỗ bắc ngang dòng suối, tận dụng diện tích bề mặt bên trên để kinh doanh và trông giữ xe.
Chính từ việc lấn chiếm, thu hẹp dòng chảy của các con suối ở một số khu vực trên địa bàn TP Đà Lạt là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt trong thời gian qua.
 
 

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ngập lụt hiện nay đang trở thành phổ biến tại TP Đà Lạt. Ngày 01/9/2022, ngập lụt cục bộ đã xảy ra tại khu vực đường Phan Đình Phùng, Hải Thượng, Tô Ngọc Vân, Phạm Hồng Thái (phía giáp hồ Xuân Hương) và Trần Quốc Toản (trước Vườn hoa Thành phố)… và tái diễn tình trạng này vào tháng 6,7/2023. Qua phân tích của Hội Quy hoạch Phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng, cùng với tác động của “Biến đổi khí hậu toàn cầu” nên tần suất mưa và số ngày mưa nhiều hơn các năm trước, lượng mưa trong những ngày cao điểm tăng mạnh, mực nước mưa ngày càng dâng cao hơn trước. Song song đó, lượng nước mưa tại chỗ diễn ra cấp tập, lại không được thu hứng từ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại chỗ, nên nguồn nước mưa chảy tràn tự nhiên và có xu hướng thoát về địa hình thấp, trũng, dẫn đến những tác hại khó lường trong thực tế.
 
Qua thực tế hiện nay ở nhiều khu vực có sông, suối trên địa bàn TP Đà Lạt cho thấy, một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức được tác hại nguy hiểm khi lấn chiếm dòng chảy của sông suối, chưa nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xả thải, vứt rác làm tắc nghẽn dòng chảy của suối; cá biệt là tình trạng chây ỳ, lén lút xây dựng, tái lấn chiếm lòng suối…Bên cạnh những tồn tại trên, tại một số phường xã đã xây dựngcác mô hình khu dân cư tự quản về môi trường, trong đó chú trọng công tác ra quân thu gom rác thải, khơi thông dòng chảy của suối, tuyên truyền nhắc nhở người dân chấp hành tốt các quy định của nhà nước về môi trường.
 
UBND TP Đà Lạt đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng chống lụt bão, khơi thông dòng chảy và xử  lý hành vi vi phạm đến hệ thống tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố nhằm chấn chỉnh không để ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước mưa gây ảnh hưởng xấu đời sống của người dân và hình ảnh của thành phố du lịch.
 

Trong đó, việc khẩn trương nạo vét dòng suối Cam Ly để khơi thông dòng chảy là một giải pháp được xem là hữu hiệu nhất đang được TP. Đà Lạt triển khai khẩn trương. UBND thành phố Đà Lạt cũng giao cho các phường, xã vận động và yêu cầu người dân cam kết bỏ rác thải, rác sinh hoạt đúng nơi quy định, không vứt rác xuống lòng suối gây ách tắc dòng chảy, dẫn tới ngập úng khi xảy ra mưa lớn. Các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, lắp đặt camera giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp xả rác, lấn chiếm chỉ giới suối.
  
Qua khảo sát và đánh giá của cơ quan chức năng TP Đà Lạt, và tỉnh Lâm Đồng để giảm thiểu tình trạng ngập úng cục bộ, hiện nay cần tổ chức kiểm tra lại hệ thống thoát nước của các cống trên suối Phan Đình Phùng và Hải Thượng, hồ lắng số 1, 2, 3 tại khu vực Vườn hoa Thành phố... để nghiên cứu giải pháp mở rộng khả năng thoát nước tại những vị trí này. Chú trọng hệ thống thoát nước mưa (từ mái, máng xối) từ các công trình có vị trí điểm cao trong trung tâm thành phố (như khu Hòa Bình, đường Nguyễn Văn Trỗi): Do không được thu gom mà để chảy tràn trên bề mặt địa hình và bậc cấp các công trình, nên thường xuyên chảy tự do xuống các đường phía thấp hơn (như: Trương Công Định, Phan Đình Phùng, 3 tháng 2, Nguyễn Văn Cừ…). Song song đó cần có giải pháp xây dựng, bố trí phân tán nhiều điểm “thu gom nước khu vực” bằng hệ thống mương, cống đô thị đủ sức chứa, không để chảy tràn lan như hiện tại, nhằm phòng tránh ngập lụt trong mùa mưa bão./.
 
Hoàng Phúc

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT