Tin tức

Đại biểu Quốc Hội tỉnh Lâm Đồng thảo luận dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Thứ sáu, 24/11/2023 - 06:11

(Lamdongtv.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 22/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Lâm Đồng đã tham gia thảo luận về các nội dung này

Hầu hết các ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật này, bày tỏ quan tâm đến những nội dung như quy định về thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử, giải thích pháp luật trong xét xử, đổi tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu Quốc Hội  thể hiện sự đồng tình cần thiết phải sửa đổi một cách toàn diện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, nhằm khắc phục những vướng mắc bất cập qua 8 năm thi hành luật; đồng thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và yêu cầu nhiệm vụ giải pháp về cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay. Cho ý kiến về tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm, tòa án chuyên biệt không phụ thuộc vào địa giới hành chính, đại biểu Nguyễn Tạo - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng xác định trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và tòa án sơ thẩm chuyên biệt đã được quy định tại Điều 4, Điều 23, Điều 24, Điều 62 và Điều 63. Liên quan đến việc Tòa án nhân dân phúc thẩm xét xử sơ thẩm một số vụ việc theo thẩm quyền, đại biểu cho rằng phải có lộ trình chuyển xét xử sơ thẩm một số loại vụ việc chuyển cho Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, cũng như định hướng tiến tới bảo đảm xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân tương đương.
Về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Tạo - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: Ví dụ như ở khoản 1 Điều 153, từ lúc công bố cho đến khi luật có hiệu lực, quy định về phạm vi thẩm quyền theo thẩm quyền xét xử của Tòa án phúc thẩm và sơ thẩm. Khoản 2 Điều 153 khẳng định tên gọi là Tòa án sơ thẩm và Tòa án phúc thẩm, có lộ trình và thời gian. Khi luật được công bố đến khi có hiệu lực đã chuyển đổi từ các loại vụ việc trước đây do Tòa án nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm, bây giờ chuyển thẳng về cho Tòa án cấp huyện, tên gọi được khẳng định ở điểm a khoản 2 Điều 153 có điều khoản kế tiếp. Tôi mong muốn cao hơn, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp Tòa án khu vực là tốt nhất, 2 đến 3 huyện góp lại, vừa tăng được nguồn nhân lực, thẩm quyền. Hiện nay, một số thẩm phán xử có 1-2 vụ/tháng, một số thẩm phán phải xử đến hơn 30 vụ/tháng, trong khi đó nguồn nhân lực tập trung đầu tư rất dàn trải, đặc biệt ở địa bàn miền núi, miền cao. Tôi tha thiết đề nghị nên nghiên cứu một phương án là Tòa án khu vực, như thế ta vừa tập trung được nguồn lực, vừa tập trung được nhân lực và cải thiện được vị trí xét xử từ cấp sơ thẩm và phúc thẩm. 

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận với nhiều ý kiến nghiên cứu sâu và gợi mở để Ban soạn thảo tiếp thu nghiên cứu chỉnh sửa, trong đó có những nội dung cần có thêm thông tin, có những vấn đề cần giải trình và có những vấn đề cần lắng nghe đại biểu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để cho ý kiến vào dự án Luật này trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7./.

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa OK