Tin tức

Phú Yên: Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống

Thứ tư, 29/11/2023 - 05:03

Thực hiện “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030”đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian qua, tỉnh Phú Yên triển khai có hiệu quả việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.

 Từ lâu nghề dệt thổ cẩm ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân không đơn thuần chỉ là một nghề mưu sinh mà còn trở thành nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của người đồng bào dân tộc Ba Na. Vì thế việc bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ góp phần gìn giữ giá trị văn hóa cổ truyền của người Ba Na mà còn có ý nghĩa quan trọngtrong phát triển kinh tế, giúp địa phương giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
 

Hiện toàn tỉnh có hơn 16.000 cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn ở 17 làng nghề truyền thống. Một số nghề bị mai một và dần thất truyền; một số nghề, làng nghề có từ lâu đời, gắn với đặc trưng từng địa phương.
Ông Hồ Thanh Hải, Phó CT UBND xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân cho biết, lâu nay địa phương vẫn luôn tìm tòi, học hỏi, kết nối các tổ chức cá nhân để giới thiệu các sản phẩm đặc trưng từ nghề dệt thổ cẩm của địa phương đến với người dân, du khách và tìm nguồn tiêu thụ ổn định; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân ngay tại địa phương.
 

Mới đây, Hội đồng xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tỉnh tổ chức kiểm tra thực tế và họp hội đồng xét, công nhận làng nghề truyền thống năm 2023. Có hai làng nghề được Hội đồng xét công nhận làng nghề truyền thống năm 2023 gồm: làng nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân và làng nghề nước mắm Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa.
Qua kiểm tra thực tế, các thành viên Hội đồng báo cáo tóm tắt kết quả đánh giá, thẩm định cả hai làng nghề truyền thống trên đều đáp ứng đủ yêu cầu về các tiêu chí; đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định; nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa mỗi địa phương.

Thực tế, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã trải qua lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, việc khôi phục, phát triển làng nghề là một nội dung quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nông dân, đồng thời bảo tồn, phát huy bản sắc./.
PHÒNG THỜI SỰ

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa OK