Lamdongtv.vn - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Việc làm (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà giáo. Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã tham gia thảo luận về các nội dung này tại hội trường và tại tổ.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng hình sự. Việc ban hành Nghị quyết nhằm khẩn trương triển khai thực hiện Kết luận số 87 ngày 13/7/2024 của Bộ Chính trị, tạo cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Qua đó, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự trong thời gian tới.
Đồng thời thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, nhất là các yêu cầu về xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, về cơ chế thu hồi tài sản; không trái với quy định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Về nội dung này, Đại biểu Nguyễn Tạo- Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề xuất
Tại khoản 1 Điều 1 Về Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đã quy định rõ Nghị quyết quy định việc thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng như thu giữ, tạm giữ, kê biên, phòng tỏa, đề nghị bổ sung thêm biện pháp thu hồi và tiêu hủy.
Về tên gọi của Nghị quyết: Phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết là các vụ án do Trung ương thụ lý, giải quyết, vì vậy để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên thì cần làm rõ tên gọi của Nghị quyết trong phạm vi hẹp.
Nghị quyết được thí điểm trong 03 năm, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, tại khoản 2 Điều 5 về Tổ chức thực hiện quy định “2. Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo Quốc hội kết quả tổng kết 03 năm thực hiện Nghị quyết tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2027”, đề nghị không để 03 năm mới tổng kết thực hiện mà hàng năm cần đánh giá, tổng kết từ trung ương đến địa phương đã thực hiện như thế nào để kịp thời sửa đổi Bộ Luật tố tụng để chống lãng phí. Để giảm thiểu chồng chéo trong việc xác định tài sản giữa Nghị quyết này, đề nghị cần quy định nội dung cụ thể vào Nghị quyết, không cần phải có thông tư liên tịch để quy định.
Trong phiên họp, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Việc làm (sửa đổi), với các nội dung sửa đổi quan trọng nhằm cải thiện thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời đưa ra các ý kiến về tính khả thi của các quy định mới.
Đại biểu K’Nhiễu - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn sinh sống vùng sâu, vùng xa, thiên nhiên khắc nghiệt, dân trí chưa cao, việc làm không ổn định.
Lao động chủ yếu công việc đơn giản, nhiều chính sách cho vùng đồng bào nhưng cơ bản vẫn đói, nghèo. Nghị quyết 88 của QH đã cụ thể hóa các chính sách, nhiều địa phương tập trung việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; tuy nhiên, dự thảo luật cần quan tâm làm rõ cách tiếp cận việc làm, đảm bảo chính sách, không gây bất lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao kỹ năng lao động
Tại khoản 4, dự thảo Luật quy định: “4. Phát triển chính sách bảo hiểm thất nghiệp trở thành công cụ quản trị thị trường lao động, hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động duy trì việc làm.” Về ý nghĩa thì chính sách bảo hiểm thất nghiệp không hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động duy trì việc làm mà hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động nhanh chóng thiết lập lại quan hệ lao động. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và điều chỉnh.
- Tại khoản 8, dự thảo Luật quy định:“8. Có chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số, chuyển đổi năng lượng công bằng.”Trong nội dung này, dự thảo Luật có chính sách chuyển đổi năng lượng công bằng, đây là khái niệm mới, đề nghị bổ sung vào Điều 3 giải thích từ ngữ.
Dự thảo Luật mang tính chất khung rất nhiều, việc quy định “việc làm bền vững”, “việc làm xanh” chỉ mang tính định hướng trong dự thảo luật lần này; tuy nhiên, với cuộc cách mạng 4.0 như hiện nay thì phải tính đến quy định cụ thể việc làm bền vững, việc làm xanh. Mặt khác, luật phải đáp ứng nhóm yếu thế vươn lên trong tiến trình chung.
Dự thảo Luật cũng thiếu quy định về nhóm việc làm chất lượng cao để mang tính cạnh tranh. Về tín dụng chính sách giải quyết việc làm, dự thảo luật lần này đã chuyển Quỹ giải quyết việc làm sang Ngân hàng chính sách xã hội; đề nghị cần kiểm toán, có thủ tục chuyển giao, không thể tự động nhập vào ngay, tài sản nhà nước không rõ còn bao nhiêu, suy giảm như thế nào…Dự thảo Luật cũng cần có chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và cần có chính sách bồi dưỡng kỹ năng riêng.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Trịnh thị Tú Anh- Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng,
nên giao quyền và trách nhiệm đầy đủ hơn cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo, để không quá phụ thuộc vào ngành Nội vụ trong việc tuyển dụng và cũng dễ dàng hơn trong việc bố trí, sắp xếp giáo viên ở các địa phương một cách phù hợp, khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ.
Về Chính sách tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, tôi tán thành quy định thẩm quyền là do Bộ giáo dục và Đào tạo quyết định, nên giao đầu mối cho cơ quan quản lý giáo dục địa phương tuyển dụng vì sẽ nắm được năng lực, nhu cầu tuyển dụng giáo viên. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về chính sách hỗ trợ, thu hút sinh viên học ngành sư phạm, đây là chính sách ưu việt nhưng theo thống kê chỉ 23/63 tỉnh, thành thành phố đặt hàng đào tạo vì kinh phí địa phương trả nhưng không biết các sinh viên đó khi ra trường có tuyển dụng làm giáo viên được hay không.
Các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo, việc ban hành Luật Nhà giáo thể chế hoá quan điểm chỉ đạo của Đảng về giáo dục và vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục Thực sự coi phát triển giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu ./.