(Lamdongtv.vn) - Trung Tâm Trưng Bày Và Giới Thiệu Sản Vật Tây Nguyên ở TP Bảo Lộc, hiện là nơi thu hút khá nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tụ hội với mục tiêu, đoàn kết các thành viên trong hoạt động sản xuất
Dù mới thành lập chưa tròn 4 tháng, nhưng bước đầu đã có những bước đi vững chắc, hỗ trợ nhau về thị trường, hàng hóa, về kinh nghiệm quản lý, nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn sau dịch Covid 19.
Chính thức hoạt động gần 3 năm qua; Công ty TNHH Enny ở Khu quy hoạch Hàn Thuyên - Phường 5 -TP.Đà Lạt), đã được người tiêu dùng trong nước biết đến với nhiều sản phẩm sinh tố sản xuất theo hình thức bán thủ công từ các loại củ, quả đặc trưng của Đà Lạt theo công nghệ đạt chuẩn an toàn…Trong năm 2020, dịch Covid đã tác động khá lớn đến nhiều doanh nghiệp, công ty trong tỉnh, trong đó có Công ty Enny khi thị phần xuất khẩu sang Hàn Quốc chững lại. Trở về thị trường nội địa, ngoài phân phối đến các siêu thị, cửa hàng, các đầu mối trong cả nước, công ty đã định hình việc giao hàng tận nơi cho khách hàng thông qua kênh phân phối bưu điện để ổn định thị phần. Khi Trung Tâm Trưng Bày Và Giới Thiệu Sản Vật Tây Nguyên ở TP Bảo Lộc thành lập, Công ty Enny là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm để đưa 8 loại sản phẩm sinh tố đến với người tiêu dùng và du khách khi đến du lịch tại TP Bảo Lộc.
Còn đối với Công ty Xe tơ Dệt lụa Hà Bảo (Phường Lộc Phát, Bảo Lộc) - một trong những cơ sở sản xuất lụa tơ tằm có nguồn gốc lâu đời và khá lớn ở Bảo Lộc. Công ty hiện có hơn 100 công nhân làm việc, với mức thu nhập trung bình từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Lụa của Công ty Hà Bảo cũng như nhiều doanh nghiệp ở Bảo Lộc được bán đến nhiều nơi trong nước và trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia... Công ty Xe tơ Dệt lụa Hà Bảo cũng đến với Trung Tâm Trưng Bày Và Giới Thiệu Sản Vật Tây Nguyên với mục tiêu hỗ trợ nhau về thị trường, hàng hóa, về kinh nghiệm quản lý, nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn sau dịch Covid 19.
Không gian trưng bày hàng hóa tại Trung tâm trưng bày - giới thiệu sản vật Tây Nguyên được ví von là vốn liếng để doanh nghiệp Lâm Đồng đem chuông đi đánh xứ người. Tại đây, 25 thành viên đều là những doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, có hoạt động sản xuất, liên kết thu mua hàng hóa đầu vào với nông dân. Những doanh nhân chuyên hoạt động sản xuất tại Lâm Đồng xác định, từng cá nhân doanh nghiệp thì sức cạnh tranh sẽ yếu do quy mô của doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, khi tập trung thành một tập thể, từng cá nhân sẽ được hỗ trợ của cả cộng đồng, chia sẻ nguồn hàng, chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, chia sẻ thông tin. Khi tham gia các hội chợ, các đợt xúc tiến thương mại, với tư cách một tập thể, họ sẽ có lợi thế hơn về vị thế, về sự đa dạng hàng hóa cũng như mang lại cái nhìn tốt của đối tác về tính cộng đồng trong nhóm doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hàng hóa tại đây giúp khách hàng định hình các thương hiệu hàng hóa, không nặng về chuyện thu lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm.
Với phương châm “Thương mại công bằng - kết nối để vươn xa”, Trung tâm trưng bày - giới thiệu sản vật Tây Nguyên là nơi hội tụ nhiều sản vật của miền cao nguyên Lâm Đồng, với ước vọng lan tỏa hương sắc đặc trưng của mình đến Nhân dân, du khách, doanh nghiệp… để tìm kiếm những cơ hội kết nối mới, mang đến giá trị mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu và làm tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Quang Hoạt - Hoàng Phúc