Tin tức

Thông tuyến tỉnh BHYT - Bệnh nhân mừng, bệnh viện lo

Thứ ba, 09/03/2021 - 08:53

(Lamdongtv.vn) - Sau hơn 2 tháng triển khai thông tuyến tỉnh điều trị nội trú đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, điều này mang lại nhiều quyền lợi cho người dân nhưng dự đoán, các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện sẽ gặp rất nhiều khó khăn

Ông Vũ Văn Sang ngụ tại thị trấn Nam Ban - huyện Lâm Hà có triệu chứng đau bụng và đã được người nhà đưa trực tiếp đến bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng để khám bệnh; tại đây, ông Sang được các bác sỹ chẩn đoán đau dạ dày và nhập viện để theo dõi.

Ông Vũ Văn Sang – huyện Lâm Hà nói : Khi thấy đau thì tôi nghĩ lên thẳng bệnh viện tỉnh sẽ yên tâm hơn,… qua đài báo thì biết chính sách thông tuyến BHYT nên cảm thấy rất yên tâm và chọn lên thẳng đây…
Từ thời điểm 1-1-2021, người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc. Dù thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện, nhưng nếu điều trị nội trú tại BV tuyến tỉnh, dù không cần giấy chuyển tuyến theo trình tự từ cơ sở y tế tuyến dưới, người bệnh vẫn được coi là điều trị đúng tuyến. Quy định này không áp dụng cho khám chữa bệnh ngoại trú. Có thể thấy, chính sách sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu khám, điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, hoặc bệnh nhân ở tỉnh xa, đi công tác, làm việc tại địa phương khác. 
Ông Tạ Minh Thắng - huyện Đức Trọng nói : Từ lúc chính sách thông tuyến nội trú BHYT được áp dụng, bản thân tôi thấy rất vui, chính sách rất hiệu quả, tạo thuận lợi cho người bệnh ở xa như chúng tôi khi được điều trị trực tiếp tại bệnh viện tỉnh mà không cần giấy chuyển viện…
Từ đó, có nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT mà nơi khám, chữa bệnh ban đầu là các cơ sở y tế tuyến dưới chuyển lên điều trị nội trú ở các bệnh viện tuyến tỉnh thay vì điều trị ở các trung tâm y tế huyện như trước kia. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, như uy tín, thương hiệu của các bệnh viện tuyến tỉnh thường tạo sự an tâm hơn cho bệnh nhân; hay nhiều người dân mua thẻ BHYT ở nơi làm việc nhưng nơi cư trú lại ở gần các bệnh viện tuyến tỉnh nên họ sẽ lựa chọn về bệnh viện gần nhà để điều trị cho thuận tiện trong việc chăm sóc, đi lại. Điều này sẽ tạo gánh nặng cho các bệnh viện tuyến tỉnh, cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2021, tổng số bệnh nhân có BHYT khám trái tuyến tại bệnh viện tỉnh là 731 người, tăng 135 người so với cùng kỳ, tất cả đều được hưởng BHYT 100% với tổng số tiền BHYT chi trả là hơn 980 triệu đồng. 
Bác sĩ CK I -  Lê Thu Thủy -  Phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp - BVĐK Lâm Đồng cho biết : Khi có thông báo về việc áp dụng chính sách mới, bệnh viện đã tổ chức các lớp tập huấn để xử lý tình huống quá tải cho cán bộ y tế, đồng thời tăng số giường bệnh nội trú lên 980 giường bệnh để đảm bảo phục vụ bệnh nhân…

Đứng trước thực trạng đó, ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp như ngành y tế chỉ đạo các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới, chuyển một số bệnh mạn tính ở thể trung bình và nhẹ về tuyến huyện và xã quản lý; chỉ đạo các cơ sở KCB tuyến huyện, tuyến xã thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, chú ý tập trung nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về chuyên môn trong KCB và nhu cầu KCB của người tham gia BHYT. Ngành BHXH giám sát chặt chẽ, có biện pháp ngăn ngừa nếu phát hiện bệnh nhân nhẹ vẫn được chỉ định điều trị nội trú, hoặc có tình trạng lôi kéo người bệnh, thu hút để đưa vào điều trị nội trú.
Bà Huỳnh Thị Phương Duyên – Phó giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho hay : Đối với bệnh viện tuyến tỉnh không chỉ định điều trị nội trú các trường hợp không thực sự cần thiết; sắp xếp bố trí gường bệnh phù hợp với quy mô, trang thiết bị, nhân lực,… tổ chức đặt lịch hẹn khám;…

Ông Kiều Công Minh – Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lâm Đồng cho biết : Đối với điều trị nội trú: người bệnh tự đi khám chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến  tại các bệnh viện tuyến tỉnh (không có giấy chuyển tuyến của cơ sở y tế tuyến dưới) thì vẫn được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí theo quyền lợi và mức hưởng. Đối với khám bệnh ngoại trú: người bệnh tự đi KCB không đúng tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh (không có giấy chuyển tuyến của cơ sở y tế tuyến dưới), không được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Như vậy, để được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT khi đi KCB tại các bệnh viện tuyến tỉnh cả khám bệnh ngoại trú hay điều trị nội trú, Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng khuyến nghị người tham gia BHYT đi KCB đúng tuyến, theo quy định.
Có thể nói, chính sách thông tuyến tỉnh BHYT điều trị nội trú sẽ tăng tính cạnh tranh, chủ động cho các cơ sở y tế nhưng việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cải thiện tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế... để thu hút người bệnh cần một quá trình. Với những đơn vị yếu thế sẽ rất khó khăn trong duy trì hoạt động và tồn tại. Bản thân mỗi bệnh viện, cơ sở y tế dù ở tuyến nào cũng phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để tạo sự tin tưởng để từ đó giữ chân bệnh nhân. Từ đó, không để xảy ra tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến tỉnh, góp phần đảm bảo chất lượng phục vụ người bệnh, nâng cao sức khỏe cộng đồng./.
Phương Thảo

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT