Tin tức

Tăng mức xử phạt không hạn chế được dâm ô

Thứ sáu, 04/10/2019 - 10:01

Bộ Công an vừa công bố dự thảo lần 2 Nghị định sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy và phòng, chống bạo lực gia đình

Dự thảo gồm 4 chương, 72 điều, trong đó đáng chú ý là đề xuất tăng mức tiền phạt đối với hành vi dâm ô, quấy rối tình dục, kích dục ở nơi công cộng...
100 – 300 nghìn đồng, là mức phạt hiện hành đối với hành vi "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác" được quy định tại Điều 5 Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ. Mức phạt này đã từng làm cho dư luận xã hội bức xúc trong vụ việc một người đàn ông cố tình ôm hôn nữ sinh trong thang máy ở Hà Nội. Trước đề xuất tăng mức phạt của Bộ Công an, đa số người dân đều đồng tình, nhưng họ cũng cho rằng 5 triệu đồng vẫn còn quá nhẹ.

Người dân: Bản thân mình trong trường hợp như vậy, mình cũng là con gái, mức xử phạt như thế mình thấy không bù đắp được tổn thất tinh thần, mình mong sẽ có mức phạt cao hơn. 

Chị Nguyễn Thùy Dương – Khu đô thị Trung Văn, Hà Nội : Từ 3 -5 triệu đồng vẫn không đủ mạnh để răn đe được hành động khiếm nhã, nhiều người họ vẫn sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để nộp phạt để thỏa mãn cảm xúc... 

Và dù 5 triệu hay 50 triệu nếu không có các hình phạt bổ sung thì chắc chắn vẫn có những kẻ biến thái sẵn sàng chấp nhận bị phạt.

Anh Đặng Hoàng Anh – Quận Hoàng Mai, Hà Nội : Phải có những hình phạt như công khai danh tính, hoặc mạnh thêm, phạt tù hoặc cao hơn, tôi mong như vậy hơn

Luật sư Chu Mạnh Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội : Phải có thêm những hình phạt bổ sung đánh vào lòng tự trọng thì mới mong họ xấu hổ, mới mang tính răn đe, giáo dục. 
Tuy nhiên, Tiến sỹ tâm lý Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng cùng với việc tăng mức xử phạt cần phải đưa ra khái niệm cụ thể về hành vi sàm sỡ, thế nào là khiêu dâm nơi công cộng... mới có thể áp dụng nghiêm trong xử lý vì hiện chưa có văn bản nào quy định. 

Tiến sỹ tâm lý Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội : Phải có hướng dẫn cụ thể thì khi áp dụng luật mới có hiệu quả, chưa hiểu được thế nào là dâm ô, thế nào là sàm sỡ mà đã nghĩ đến việc tăng chế tài xử phạt, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật sao cho đầy đủ.... 

Khi các hành vi này được định danh và cho vào điều khoản cụ thể, việc theo dõi và áp dụng xử phạt mới hiệu quả, tránh trường hợp lúng túng trong áp dụng luật và mỗi cơ quan lại hiểu theo một kiểu. Và khi đó, pháp luật mới thực sự nghiêm minh, mới có ý nghĩa răn đe, giáo dục và bảo vệ được các đối tượng yếu thế trong xã hội./. 
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

TT OK Quảng cáo trang nội dung, cột giữa