Tin tức

Doanh nghiệp gỗ loay hoay tìm cách xuất hàng

Thứ năm, 15/04/2021 - 08:32

3 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ cả nước đạt gần 3,7 tỷ USD, tăng đến 41,5% so với cùng kỳ. Đồng thời trở thành ngành hàng dẫn đầu kéo "cỗ máy" kim ngạch nông – lâm – thủy sản

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành gỗ lại đang đau đầu với bài toán chi phí, thiếu vỏ container... Thực tế là đã 2 quý liên tiếp, vẫn loay hoay tìm cách xuất hàng đi. 
Kim ngạch xuất khẩu vào một số thị trường lớn như Châu Âu, Hoa Kỳ cũng tăng 20 – 30%, sức mua cũng sôi động hơn trên toàn cầu. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ tại TPHCM đã có đơn hàng xuất khẩu hết quý 2. Đơn hàng thì đã chốt, sản phẩm cũng đã hoàn thiện, thế nhưng vẫn không thể xuất đi vì không thuê được công ten nơ.

Ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc điều hành công ty nội thất Furnist cho hay : Chúng tôi muốn lấy hàng có booking thì chúng tôi phải hẹn vài lần, ví dụ 1 booking 10 công ten nơ thì chúng tôi chỉ lấy được khoảng 3,4 công ten nơ thôi, ảnh hưởng đến tiên độ sản xuất, tiến độ giao hàng rất là nhiều, thứ 2 ảnh hưởng trực tiếp là chi phí lấy công cũng tăng rất nhiều.

Ông TrầnLam Sơn - Phó TGĐ công ty TNHH Thiên Minh nói : Thông thường những năm trước khách hàng mua hàng xuất sang cảng Harmbug của Đức khoảng 2.000 USD 1 công ten nơ nhưng hiện giờ chi phí cao hơn, khoảng cỡ 6.000 - 7.000 1 công ten nơ
Giá thuê công ten nơ đã tăng 4-5 lần so với cùng kỳ, khiến cho giá vận chuyển cao gần bằng giá hàng. Dù phải chấp nhận giá cao nhưng doanh nghiệp vẫn không thể thuê được. Tình trạng này đã kéo dài nhiều tháng nay, và tiếp tục sẽ là cản trở với doanh nghiệp trong tương lai.

Ông Nguyễn Chánh Phương, PCT Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TPHCM cho biết : Giá về nguyên vật liệu nó đang cao lên, do chuỗi cung nhập khẩu gỗ từ Châu Âu, Mỹ đều cao, thứ 2 giá vận chuyển đang rất là cao, thứ 3 công ten nơ còn đang thiếu. Tôi nghĩ là trong ngắn hạn chuỗi cung ứng toàn cầu nó chưa chạy một cách liền mạch thì là những yếu tố khó kiểm soát.
Để giải quyết khó khăn này, trước hết nhiều doanh nghiệp chủ động tiết giảm tối đa các chi phí sản xuất tại nhà xưởng, cắt giảm các khâu dư thừa, tăng năng suất, hiệu suất làm việc. Đặc biệt là kiểm soát chi phí nguyên vật liệu để giảm giá thành. 

Bà Lê Thị Xuyến, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An nói : Công ty cũng có giải pháp là trong trường hợp mình thiếu công ten nơ trầm trọng quá, thì mình sẽ thuê thêm kho, giải phóng mặt bằng nhà xưởng, tăng năng suất sản xuất vẫn chạy bình thường, như vậy thì mới đáp ứng cái nhu cầu khách hàng, cũng như đảm bảo cái năng suất cho nhà máy, đảm bảo hiệu quả cho công ty. 

Không riêng gì của ngành gỗ mà với tất cả các ngành xuất khẩu ở nước ta hiện nay cũng đang rơi vào vòng khó khăn do chi phí vận chuyển tăng. Chính phủ cùng các hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là ngành Logistic cũng đã chủ động vào cuộc, nhưng sẽ không thể trong một sớm một chiều. Trong lúc chờ đợi, doanh nghiệp buộc phải  xoay xở đủ cách để tự cứu mình./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa