Để vượt qua khó khăn trong giao thương toàn cầu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua môi trường thương mại điện tử
Thực tế đang cho thấy sự chủ động và thay đổi tư duy là hết sức quan trọng để các doanh nghiệp gia tăng doanh số xuất khẩu, đặc biệt là thông qua các trang thương mại điện tử (TMĐT) của nước ngoài.
Cũng giống như nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khác, dịch Covid -19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới đơn vị này. Thế nhưng, nhờ bài toán xuất khẩu trên một môi trường thương mại điện tử xuyên biên giới, năm 2020 họ vẫn đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng.
Qua trao đổi bà Hoàng Thị Hương - Công ty Nhựa Anh Tú cho biết : “Chúng tôi vẫn bán được hàng và vẫn giao tiếp được với tất cả các khách hàng trên thế giới. Bởi vì chúng tôi đã tham gia vào Thương mại điện tử rồi, nên vượt qua dịch Covid không có gì khó khăn. Thậm chí chúng tôi còn có nhiều đơn hàng hơn. Bởi vì dịch, cộng với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gây đứt quãng chuỗi cung ứng toàn cầu, đó chính là cơ hội để khách hàng và người mua trên thế giới tìm đến Việt Nam rất nhiều”
Còn với đơn vị này, cách đây 2 năm, khi tìm hướng đưa sản phẩm ra nước ngoài trong điều kiện chi phí ít, họ đã tìm đến các sàn TMĐT lớn trên thế giới. Từ năm 2019, họ đã đưa thành công sản phẩm sang các nước Trung ĐÔng, châu Á và cả châu Âu.
Anh Đỗ Hồng Quân - Công ty Cổ phần Trúc Lâm Quán Tuệ cho biết : “Ngoài việc tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp như chi phí công tác, đi lại, tiếp khách gần như bằng 0, thì năm 2021 thị trường bắt đầu mở cửa trở lại với việc các quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh, đặc biệt mọi người đã đang quen giao dịch qua thương mại điện tử thì đó chính là cơ hội.”
Không chỉ tận dụng các sàn TMĐT lớn trên thế giới, mới đây, Bộ Công thương đã phối hợp và chủ trì xây dựng thành lập một Sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam-EU (VEFTA). Đây là đề án trọng điểm với quy mô quốc gia được thực hiện nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp EU, cũng như các đối tác quốc tế khác có thể dễ dàng kết nối và thực hiện các hoạt động thương mại.
Hiện có 32% doanh nghiệp Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho hay : “Cái quyết định cuối cùng chính là ở doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những lợi thế của thương mại điện tử đó là cắt giảm chi phí giao dịch, cắt giảm chi phí trực tiếp thuê gian hàng, nhân công,…thì doanh nghiệp hoàn toàn có cơ hội để tham gia vào các sàn thương mại điện tử một cách chủ động”.
Đại dịch toàn cầu đã làm tê liệt và khiến hàng triệu doanh nghiệp phá sản, nhưng bù lại khó khăn này cũng mở ra một xu thế kinh doanh mới đó là bán hàng, xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Thời kỳ hậu Covid-19 này được coi là thời điểm vàng để doanh nghiệp Việt Nam nào nhanh nhạy có thể tiệm cận và phát triển mạnh mẽ qua TMĐT./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng