Đến thời điểm này, hầu hết địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và hoàn tất hồ sơ để tham gia đợt bình chọn cấp tỉnh
Qua khảo sát cho thấy, chất lượng sản phẩm của các cơ sở, doanh nghiệp khu vực nông thôn được nâng lên rõ rệt; mẫu mã được đầu tư. Song để tạo được sức cạnh tranh trên thị trường, các sản phẩm công nghiệp nông thôn cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía cơ quan chức năng.
Thành phố Nha Trang là một trong những địa phương thực hiện tốt kế hoạch bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu 2019. Tất cả sản phẩm tham gia bình chọn đều đáp ứng quy định về quyền sở hữu trí tuệ, công nghiệp, tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường… Đặc biệt, nhiều cơ sở sản xuất có quy mô ở mức vừa phải có chất lượng sản phẩm khá tốt. Điển hình như sản phẩm gạo lức của Khadasa đã tạo được uy tín với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, lọt vào top 50 thương hiệu sản phẩm, dịch vụ nổi tiếng Việt Nam 2018; và top 50 thương hiệu mạnh ASIAN 2019.
Ông Mai Hữu Hội - Quản đốc sản xuất Công ty TNHH Dịch vụ phân phối tổng hợp Việt Nam : “Với quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm gạo lức và nhu cầu hiện nay trên thị trường thì tin tưởng rằng gạo lức khadasa sẽ nằm trong top hàng tiêu biểu nông sản nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa và nếu được như vậy rất mong sở công thương nông nghiệp tỉnh này làm thế nào để sản phẩm này tiếp cận ra ngoài nhiều hơn nữa”
Bà Tô Thị Thu Nga - Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Nha Trang: “Kinh phí ưu tiên cho các sản phẩm đạt bình chọn. Nhưng do kinh phí quá ít nên rất ít các doanh nghiệp được hỗ trợ. Do đó chúng tôi cũng mong muốn được tỉnh xem xét hỗ trợ nhiều hơn nguồn khuyến công để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển”
Qua đợt bình chọn cho thấy, các cơ sở nông thôn đã dần thay đổi nhận thức, tập trung nhiều hơn về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Song để các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Khánh Hòa cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường và hội nhập đòi hỏi có trợ lực lớn hơn. Trong đó, doanh nghiệp mong muốn Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều hơn về kinh phí, đào tạo lao động, cải tiến kỹ thuật sản xuất, quảng bá thông tin, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn. Đây là động lực cho các cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn tích cực hơn trong việc thiết kế, sản xuất để ngày càng có nhiều sản phẩm có chất lượng phục vụ thị trường nội địa, hướng đến xuất khẩu.
Chị Nguyễn Diễm Diên Trang – Cơ sở sản xuất trà Hoàng Hoa Thôn Nha Trang : “Ở Nha Trang - Khánh Hòa các cơ quan ban ngành cũng tạo nhiều điều kiện cho các sàn như hội chợ chương trình xúc tiến thương mại nhưng vẫn là những trực tiếp là chính những chương trình online sàn điện tử để chúng tôi quảng bá sản phẩm của mình để chúng tôi quảng bá sản phẩm mình nhiều hơn không chỉ ở Việt Nam mà cả ở thế giới thì chung tôi cũng đang gặp khó khăn về vấn đề này”
Ông Lê Hoàng Thọ - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa : “Những doanh nghiệp mà có sản phẩm bình chọn các cấp hiện nay họ đã có điều kiện phát huy được thương hiệu vì qua bình chọn họ được những lợi ích thiết thực như tham gia các trang web của bộ công thương các ngành cũng như họ tiếp cận nguồn kinh phí khuyến công của địa phương để phát triển sản xuất..”
Theo thông tin từ Sở Công Thương, cuối năm nay sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh sẽ đi vào hoạt động. Đây là cơ hội để sản phẩm công nghiệp trong tỉnh tiếp cận thị trường nhanh nhất; tạo sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, muốn nâng cao giá trị và thương hiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn, ngoài sự hỗ trợ từ phía nhà nước thì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phải tâm huyết và có ý thức chủ động vươn lên, nhất là thay đổi công tác quản trị, chiến lược phát triển để đủ khả năng hội nhập thị trường.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng