Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (gọi tắt là UKVFTA)chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 5/2021 .
Sự kiện này đã trở thành cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong việcđa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh vẫndiễn ra phức tạp thì việc có thêm những Hiệp định thương mại với các đối tác lớn sẽ đảm bảo cho sự tăng trưởng của các ngành hàng Việt Nam.
Dịch bệnh đã khiến kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đã sụt giảm gần 30% vào năm 2020. Năm nay, cùng với các Hiệp định khác, UKVFTA được xem là đòn bẩy cho các doanh nghiệp ngành này.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam lý giải : “Khi mà Hiệp định có hiệu lực thì việc thúc đẩy thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường sẽ giúp cho kim ngạch xuất khẩu của chúng ta bù đắp lại mất mát của năm vừa qua. Với chuẩn bị của các doanh nghiệp hiện nay thì chúng tôi cũng đang rất kỳ vọng việc đáp ứng được các yêu cầu của thị trường. Doanh nghiệp da giày đang rất mong chờ và tràn đầy hy vọng về tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới.”
Trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, Hiệp định thương mại này được các ngành hàng kỳ vọng sẽ giúp ổn định thị trường để các doanh nghiệp có thể phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía UK là rất cao. Đối với những ngành như da giày hay dệt may, thì vấn đề quy tắc xuất xứ hàng hóa lúc nào cũng là vấn đề nóng để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định.
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc, Tổng Công ty May 10 cho biết : “Nút thắt về nguồn nguyên liệu, quy tắc xuất xứ. Tuy nhiên với nút thắt này có thể ảnh hưởng trong ngắn hạn nhưng về dài hạn thì chính nút thắt này cũng sẽ là một động lực để chúng tôi sẽ thiết lập chuỗi cung ứng để đảm bảo xuất xứ nguyên liệu từ sợi, dệt, nhuộm, cũng như các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực này, để chúng ta có một xuất xứ hoàn chỉnh.”
Nhấn mạnh những yếu tố về chất lượng sản phẩm, hay các quy định bảo vệ môi trường, đại diện Bộ Công thương cho biết, các doanh nghiệp Việt muốn bước chân vào các thị trường lớn, thì không thể không quan tâm tới sản xuất bền vững.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó vụ trưởng Cụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công Thương cho hay : “Các tiêu chuẩn khác liên quan đến phát triển bền vững, môi trường, lao động… những điểm này doanh nghiệp cần chú ý. Một trong những điểm quan trọng nữa đó là phải đảm bảo được về chất lượng ổn định, xuyên suốt, lâu dài trong quá trình làm ăn với đối tác nước ngoài, đặc biệt với các quốc gia có trình độ phát triển cao như Vương quốc Anh.”
Theo tính toán, giá trị thuế nhập khẩu mà hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khi vào Anh ước đạt 3,5 nghìn tỷ/năm. Do đó, kết hợp với những cơ hội về tiếp cận thị trường từ Hiệp định UKVFTA, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Anh và Bắc Ai len sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng