Tin tức

Đánh giá tình hình thực hiện pháp luật BVMT tại Lâm Đồng

Thứ bảy, 12/10/2019 - 06:31

(Lamdongtv.vn) - Qua đợt giám sát và khảo sát thực tế của UB MTTQVN tỉnh tại các huyện, thành phố, đoàn giám sát đã có buổi làm việc về việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt, y tế và sản xuất trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Ông Nguyễn Trọng Ánh Đông - UV BTV TU, Chủ tịch UB MTTQ VN tỉnh Lâm Đồng, Trưởng đoàn giám sát và ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc. Ông Nguyễn Tạo - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, phó trưởng đoàn giám sát và đại diện các ban ngành, đoàn thể tỉnh Lâm Đồng, đại diện UBND các huyện, thành cùng tham dự và trao đổi các vấn đề về môi trường tại buổi làm việc.
Theo báo cáo của UBND tỉnh tại buổi làm việc, hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là gần 890 tấn/ ngày. Trong đó khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh là khoảng trên 440 tấn/ ngày, chiếm gần 50% lượng chất thải phát sinh. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị trung bình đạt 87%, ở nông thôn đạt 48%. Theo số lượng thống kê, tổng khối lượng chất thải y tế phát sinh hằng ngày là trên 900kg và được phân loại tại nguồn, xử lý theo quy định.
Toàn tỉnh Lâm Đồng đã lắp đặt được 1.400 bể thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật, lượng bao gói được thu gom và tiêu hủy đúng quy định là 20,4 tấn/300 tấn, bằng 6,8%. Có 5 dự án cơ sở xử lý rác thải đang được triển khai đầu tư xây dựng là Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Đơn Dương và Đạ Huoai. Tồn tại hiện này là hầu hết các bãi chôn lấp chất thải rắn đều là bãi chôn lớp hở, không đạt tiêu chuẩn về môi trường. Chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm. Phương pháp xử lý mang tính chất thủ công và không đảm bảo vệ sinh môi trường, mang tính chất tạm thời. Về việc xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, từ năm 2018 đến nay đã có 645 vụ việc được phát hiện, xử phạt 420 đơn vị với số tiền 4,5 tỷ đồng. 
Tại buổi làm việc, đoàn giám sát của UB MTTQ VN tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo kết quả giám sát, qua đó chỉ ra một số hạn chế, tồn tại trong thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt, y tế và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, công tác quy hoạch các khu xử lý rác, bãi chôn lấp chưa gắn liền đồng bộ với quy hoạch chung của khu đô thị, khu dân cư; chưa có phương án dự phòng trong trường hợp đóng cửa bãi rác, nhà máy xử lý chất thải khi gặp sự cố; hầu hết các dự án đầu tư nhà mát xử lý rác ở địa phương chậm tiến độ; kinh phí bố trí cho công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là cơ sở vật chất; rác thải nguy hại là bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng chưa được thu gom đầy đủ để xử lý đúng quy định; công nghệ xử lý rác thải y tế lạc hậu, xuống cấp; công tác tuyên truyền vận động nhân dân về bảo vệ môi trường chưa kịp thời, chưa đi vào chiều sâu. 
Các thành viên đoàn giám sát và thường trực UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành và đoàn thể đã trao đổi ý kiến xung quanh việc nghiên cứu quy trình khép kín từ thu gom và xử lý rác thải; tính toán phạm vi cự ly, diện tích để xây dựng nhà máy xử lý rác thải; cần có một công nghệ xử lý rác thải bảo vệ môi trường cũng như cách xử lý rác thải tại nguồn hoặc những nơi mà xe thu gom rác không thể đến được; phân công xử lý rác thải rắn tránh sự chồng chéo trong quản lý; cần thống nhất giá dịch vụ xử lý chất thải rắn và điều chỉnh phù hợp với công nghệ xử lý rác thải; bố trí tài chính để bổ sung, nâng cao chất lượng xe thu gom, xe ép rác; nâng cao ý thức của người dân trong thu gom, phân loại thuốc bảo vệ thực vật, tránh tình trạng người dân tự chôn lấp hoặc bỏ lẫn thuốc bảo vệ thực vật chung với rác thải sinh hoạt; công tác dự báo xử lý rác thải y tế trong thời gian tới để có phương án xử lý rác thải y tế phù hợp; đầu tư xây dựng các lò đốt, lò xử lý chất thải y tế tại những cơ sở y tế vùng sâu vùng xa…
 
Trên cơ sở kết quả  buổi làm việc này, đoàn giám sát UB MTTQ VN tỉnh tổng hợp chình thức kiến nghị đến cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành địa phương và Trung ương nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực liên quan đến bảo vệ môi trường, từ đó có chính sách phù hợp hơn với lĩnh vực này./.
Phương Trà

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT