(Lamdongtv.vn) - Trong thời điểm hội nhập như hiện nay những giá trị văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số theo đó cũng dần mai một nhất là đối với thế hệ con cháu
Chính vì muốn lưu lại nét văn hóa truyền thống của đồng bào, các cấp ngành địa phương cho đến các trường học đã đưa ra những chương trình cụ thể với mong muốn để con cháu nhớ về cội nguồn không làm mất đi bản sắc riêng của đồng bào mình.
Việc lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được thể hiện rõ nét tại trường dân tộc nội trú tỉnh. Minh chứng cho điều này đó là khi bước vào từng lớp học đối với học sinh thuộc dân tộc thiểu số nào thì phải mặc sắc phục ấy của đồng bào mình. Ban ngày, các em học sinh theo học văn hóa nhưng đến đêm một số học sinh lại dành thêm khoảng thời gian để học đánh cồng chiêng thông qua lớp truyền dạy cồng chiêng do ban giám hiệu nhà trường duy trì được 2 năm qua. Tất cả nhằm khơi dậy ý thức của mỗi học sinh phải duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống , bản sắc dân tộc mình ngay khi còn học trên ghế nhà trường.
Hay đến với trường đại học Đà Lạt, giảng viên và sinh viên khoa sinh học của trường đã chọn đề tài nghiên cứu chất liệu màu tự nhiên từ cây cỏ để dệt thổ cẩm của người đồng bào dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên. Để đề tài thành công và áp dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất, thầy và trò đã đến vùng đồng bào dân tộc để tìm hiểu và vào rừng tìm các loại cây, lá làm chất tạo màu tự nhiên để nhuộm màu sợi dệt thổ cẩm. Tất cả cùng hướng đến việc lưu giữ lại những giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số không để mai một.
Và không phải ngẫu nhiên mà việc lưu giữ lại những giá trị văn hóa trong vùng đồng bào lại được các cấp ngành quan tâm , bởi đặc thù của vùng Tây Nguyên , dân tộc bản địa chiếm khá đông mà với thời điểm hội nhập kinh tế như hiện nay thì đâu đó nét văn hóa truyền thống của đồng bào dần mai một vì vậy các cấp, ngành tại địa phương cũng đã đưa nhiều hoạt động gắn với nhu cầu địa phương để không làm mất đi những giá trị sản phẩm văn hóa vô giá như phục dựng các nghi lễ truyền thống của người đồng bào. Đây cũng là những trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến với thành phố Đà Lạt, góp phần tạo ra những sản phẩm văn hóa du lịch mới, phong phú.
Tuy việc triển khai các nội dung được thể hiện cụ thể nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn nhất định trong việc duy trì và bảo tồn những giá trị riêng của người đồng bào mà ngay chính lớp thế hệ trẻ người đồng bào vẫn còn thơ ơ và xa rời với văn hóa truyền thống.
Lưu giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ thực hiện trong một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có sự chung tay từ nhiều phía đặc biệt chính từ nhận thức của người đồng bào phải biết trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa riêng của đồng bào mình có như thế thì việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, nâng cao ý thức của thế hệ con cháu với cội nguồn dân tộc đó cũng là sự phát triển bền vững ./.
Bích Thảo