Chưa bao giờ các doanh nghiệp phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức như hiện nay. Trước nguy cơ hoạt động sản xuất bị đình trệ do thiếu lao động trong bối cảnh các nơi đang phong tỏa và giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp phải tìm phương án kiểm soát dịch, chuẩn bị cho phục hồi sản xuất
Nhà máy này nằm trong khu công nghiệp này có đến 20% người lao động đang nghỉ việc vì công nhân sống trong khu vực bị phong tỏa hoặc có liên quan đến F1, F2. Dây chuyền sản xuất trống nhiều vị trí do người lao động sống và trọ trong các khu vực bị cách ly không đến được nhà máy. Ngay nhà máy bên cạnh cũng có người bị có người nhiễm bệnh phải đóng cửa hơn một tuần.
Do lo sợ dịch bệnh, nhiều công nhân có tâm lý xin nghỉ không lương để ở nhà tránh dịch. Điều này ảnh hưởng lớn tới tiến độ sản xuất. Bên cạnh giải thích, động viên người lao động yên tâm làm việc, công ty cũng áp dụng đồng thời nhiều biện pháp để phòng chống dịch.
Trong nhà máy, hệ thống quạt thông gió thổi suốt ngày thay vì bật điều hòa như trước. Hàng ngày, người lao động phải báo cáo lịch trình hoạt động cho công ty. Nếu ai không tuân thủ các biện pháp phòng dịch sẽ bị trừ thi đua.
Trước đó, tại Bắc Giang buộc phải đóng cửa 4 khu công nghiệp với 322 doanh nghiệp với tổng số gần 150.000 lao động tạm ngừng việc; Bắc Ninh có 42.000 lao động phải ngừng việc; Hải Phòng có hơn 30.000 lao động bị ảnh hưởng tiêu cực. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc... một số khu vực phong tỏa, giãn cách đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng đình trệ sản xuất do thiếu lao động.
Những ngày qua, các tỉnh thành đã dồn lực lấy mẫu xét nghiệm công nhân trên diện rộng; ưu tiên nguồn vắc xin để tiêm cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp… Bước đầu các giải pháp đã phát huy hiệu quả khi nhiều nhà máy hoạt động trở lại, khôi phục sản xuất.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng