Tin tức

Gia Lai : Đẩy mạnh cho vay hộ mới thoát nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ sáu, 18/06/2021 - 06:03

Không những hỗ trợ tích cực cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo mà thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách còn tạo điều kiện cho các hộ mới thoát nghèo mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập để từ đó thoát nghèo bền vững

Đáng ghi nhận là trong số đó, không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã sử dụng vốn vay hiệu quả, đưa gia đình thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên với nguồn thu nhập ổn định. 
Sau khi thoát nghèo vào năm 2019, gia đình anh HYoih ở làng O Đeh, xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa đã được chính quyền địa phương phối hợp với hội đoàn thể, vận động gia đình anh vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để tiếp tục đầu tư sản xuất, chăn nuôi, tạo thu nhập bền vững nhằm giảm nguy cơ tái nghèo trở lại. Theo đó, anh HYoih đã vay 60 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để đầu tư chăm sóc cà phê kết hợp thêm chăn nuôi. Anh HYoih chia sẻ với 1,5 ha cà phê, 3 sào lúa nước và nuôi thêm heo….mỗi năm sau khi trừ hết chi phí, anh còn dư được 70 – 80 triệu đồng. Tuy số dư không lớn nhưng với những hộ như anh HYoih từ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, bây giờ mỗi năm còn dành dụm được hàng chục triệu đồng như vậy là một sự nỗ lực rất lớn và là động lực để anh không ngừng nỗ lực để có được cuộc sống ngày càng ổn định hơn. 

Tương tự như gia đình anh Hyoih, gia đình anh Vêh cùng làng O Đeh, xã Ia Pết, sau khi thoát nghèo năm 2019, gia đình anh cũng vay Ngân hàng Chính sách xã hội 60 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Chia sẻ với chúng tôi, anh Vêh tâm sự, thoát được nghèo là cả một quá trình nỗ lực nhưng để đảm bảo sự bền vững và từng bước vươn lên trong cuộc sống thì cái quan trọng là phải có được nguồn thu ổn định chứ không thể làm ăn theo kiểu một chăng hay chớ, may rủi. Muốn được vậy thì phải hình thành những mô hình kinh tế hiệu quả và cần có vốn đầu tư. Xuất phát từ đó, anh Vêh đã quyết định vây Ngân hàng Chính sách xã hội 60 triệu đồng để về đầu tư chăm sóc cà phê, mở rộng chăn nuôi. Từ chỗ chỉ đủ ăn và đủ điều kiện thoát nghèo thì hai năm nay mỗi năm gia đình anh Vêh còn dư được trên dưới 50 triệu đồng. Với số dư mỗi năm, ngoài trả nợ ngân hàng, anh Vêh còn mua thêm đất để mở rộng sản xuất. 
Anh HYoih, anh Vêh chỉ là hai trong số rất nhiều hộ nhờ có sự hỗ trợ của nguồn vốn tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Được biết, hiện nay ngoài đối tượng là hộ nghèo và hộ cận nghèo thì Ngân hàng Chính sách xã hội còn ưu tiên nguồn vốn cho chương trình hộ mới thoát nghèo. Tính đến nay, toàn tỉnh có 25.737 hộ mới thoát nghèo có dư nợ hơn 1 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ gần 20% tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, không chỉ tạo điều kiện cho bà con đầu tư phát triển sản xuất mà trên thực tế còn góp phần giảm thiểu nạn tín dụng đen ở địa bàn nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiếu số. 
Không ngừng phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách, ngày 10.6.2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành văn bản thông báo kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách  xã hội. Trong đó, khẳng định qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40, công tác tín dụng chính sách đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng nông thôn mới. Phát huy những kết quả đã đạt được, Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục tập trung thực hiện tốt Chỉ thị 40 trong thời gian tới./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa OK