6 tháng đầu năm, tỉnh Khánh Hòa có hơn 1.000 doanh nghiệp doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tránh giải thể, phá sản cũng như tiếp tục duy trì sản xuất, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng triển khai nhiều chính sách, giải pháp, đáng kể nhất là các gói tín dụng giảm lãi suất. Đây là nguồn lực quan trọng, để các doanh nghiệp đủ sức vượt qua các thách thức trước mắt.
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, đến cuối tháng 6/2021, dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh là hơn 36.690 tỷ đồng, chiếm đến 37% dư nợ cho vay toàn tỉnh. Các gói hỗ trợ tín dụng này đã và đang giúp cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn hạn chế về năng lực tài chính- đủ sức chống chọi trước tác động tiêu cực, kéo dài của dịch Covid-19. Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ 4 này nhiều khả năng sẽ kéo dài đến hết quý 3 hoặc có thể lâu hơn, sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng cho cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Với tình trạng sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn không chỉ về nguồn vốn để duy trì sản xuất, trả lương lao động, mà ngay cả việc giải quyết các khoản vay cũng hết sức khó khăn.
Để tiếp tục hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03 năm 2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 năm 2020 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Theo đó, sẽ hỗ trợ được nhiều khách hàng hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại. Từ đó, các Ngân hàng thương mại có điều kiện đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp khắc phục hậu quả dịch bệnh.
Từ giữa tháng 7/2021, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã có 16 ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi vay so với lãi suất hiện hành. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH tiếp tục triển khai cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh, với lãi suất 0%, không thế chấp tài sản.
Sự đồng hành và chia sẻ khó khăn của các ngân hàng đã tác động tích cực đến phát triển sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Việc giảm lãi suất cho vay, tái cơ cấu lại thời gian thanh toán, tăng cường đầu tư tín dụng -không chỉ góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chủ động về vốn, mà còn tạo nên sức mạnh đảm bảo giữ vững tăng trưởng và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Điều quan trọng là các ngân hàng cần xây dựng cơ chế thông thoáng, linh hoạt tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận chính sách và tận dụng hiệu quả do chính sách mang lại.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng