Giá xăng dầu hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Trong khi đó, Quỹ bình ổn giá lại đang cạn dần không còn nhiều dư địa để kiềm chế đà tăng của mặt hàng này
Việc cân nhắc đến công cụ thuế để hạ giá xăng đang được đặt ra nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài.
Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vào đầu tháng 10, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.683 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.879 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ ba liên tiếp. Hiện giá xăng trong nước ở mức cao nhất trong vòng 7 năm. Với mức tăng này sẽ tác động không nhỏ đến các ngành sản xuất vì đây là nhiên liệu đầu vào.
Ông Mạc Quốc Anh - Tổng Thư kí Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội: Đối với xăng, dầu, điện, nước là chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thì giảm được chi phí nào thì sẽ tạo điều kiện cạnh tranh cho doanh nghiệp, nếu xăng tăng sẽ tăng chi phí đầu vào 5-10% cho doanh nghiệp. Nếu giảm được giá xăng sẽ tăng được sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp
Theo Bộ Công Thương, hiện nay Quỹ Bình ổn xăng dầu đang "cạn dần" nên việc giảm giá xăng dầu không thể trông chờ vào Quỹ. Để kìm đà tăng cần tính đến công cụ thuế
Bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương: Chúng tôi cũng phân tích cả các yếu tố về giá về thuế và làm việc chặt chẽ với Bộ Tài chính về thuế có thể giảm được ở các loại thuế nào, như thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5 và với những vấn đề giảm thuế khác nữa. Bộ tài chính cũng đã nhận được chỉ đạo của Chính phủ về giảm thuế xăng dầu
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lại cho rằng, phương án giảm thuế lcần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt với mặt hàng như xăng dầu, giảm thuế có thể không đạt được mục tiêu tiết kiệm năng lượng
Ông Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế: Nếu như chúng ta cần kích cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy hoạt động kinh việc chúng ta sử dụng các hình thức khác tài trợ cho các đối tượng cần thiết nó sẽ đúng mục tiêu cần tài trợ hơn là chúng ta sử dụng công cụ thuế đối với xăng dầu
Trong bối cảnh hiện nay, theo các chuyên gia kinh tế cần biện pháp có thể thực hiện ngay làtiếp tục sử dụng quỹ bình ổn hoặc triển khai các gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng