Tin tức

Phục dựng nghi thức, nghi lễ cúng bến nước của đồng bào J’rai

Thứ hai, 04/11/2019 - 06:12

Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai vừa tổ chức phục dựng nghi thức, nghi lễ cúng bến nước của đồng bào J’rai bản địa

Trong không gian văn hóa tín ngưỡng dân gian độc đáo đầy sắc màu, nghi lễ này được tái hiện nhằm cầu mong thần nước phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật trong buôn đều mạnh khỏe, không có bệnh dịch xảy ra.
Cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa ở Gia Lai đang lưu giữ rất nhiều lễ tế, mang đậm màu sắc tín ngưỡng và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Lễ cúng bến nước là một trong những điển hình văn hóa lâu đời đặc sắc, gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày của bà con. Lễ cúng bến nước của người J’rai hay còn gọi là Doh Bing Ia, thường được tổ chức vào tháng 10, tháng 11 dương lịch và cứ mỗi 3 năm tổ chức 1 lần.
Già làng Rơ Ô Bhung - Buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai : Lễ phục dựng lại cúng bến nước rất quan trọng, thứ nhất hồi xưa trong buôn làng không có nước sạch, không có nước giếng mà dùng nước sông. Khi ban ngày và ban đêm, bà con dân làng, từ người già đến người trẻ đi qua sông sợ chết đuối, chết trôi thì có lễ cúng bến nước, nên nó rất quan trọng. Thứ 2 là đi trên đường, qua cầu thì được thượng lộ bình an.
Trước khi nghi lễ chính thức diễn ra, già làng tổ chức họp dân huy động đóng góp, thường là đóng góp gạo (khoảng 1kg/hộ) hoặc đóng góp tiền (20.000 đồng/hộ) để nấu rượu cúng. Sau đó cả làng quét dọn, phát quang đường làng ngõ xóm và nơi bến sông để rước hồn nước; phát dọn cây gạo đầu làng để dựng cây nêu. Ngày diễn ra nghi lễ, Phó làng và thanh niên trong làng cột các ché rượu giữa nhà sàn, cùng lúc đội chiêng lễ tấu chiêng thông báo cho dân làng chuẩn bị đi rước hồn nước. Sau đó đoàn rước hồn nước xuống bến sông Ba để rước hồn nước. 
Ông Kpă Ngun - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai : Nét đặc trưng của người Jrai địa phương rất là độc đáo, đặc biệt quan tâm đến vấn đề mưa thuận gió hòa đối với bà con, nhân dân làm ăn; thứ 2 là cúng cái này để ông trời có lòng hảo tâm đối với bà con, đặc biệt là đối với người địa phương thì đây là truyền thống từ xưa. Để giữ được truyền thống này, sau này chúng tôi sẽ linh động hơn đối với các địa phương và tổ chức thành công đến nhiều địa phương để người dân lưu lại cái truyền thống của địa phương mình.

Ông Nguyễn Ngọc Long - Phó Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Đam San, tỉnh Gia Lai : Trong thời gian tới, cũng với các hoạt động này, nhà hát cũng sẽ tiếp tục thực hiện nội dung này. Bên cạnh đó, để tạo thêm các hoạt động phong phú, trong năm 2020, bên cạnh việc nhà hát sẽ phối hợp với các huyện phục dựng các lễ hội thì còn tổ chức các cuộc liên hoan, hội diễn, hội thi liên quan đến vấn đề dân tộc để tạo ra một sân chơi bổ ích, lành mạnh, khơi gợi những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế cùng sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung đang dần bị mai một. Vì vậy, việc phục dựng lại các lễ hội truyền thống là hoạt động quan trọng, góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa của người dân bản địa tại Gia Lai./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa