Tin tức

Lâm Đồng : Phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các trường học, cơ sở giáo dục .

Thứ ba, 16/11/2021 - 07:35

Lamdongtv.vn - Mục đích tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học, phát hiện sớm và xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan trong trường học và cộng đồng.

 Sở Y tế - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản số 2337/PA-SYT-SDGĐT ngày 12/11/2021 về Phương án Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Những nội dung chính : 
 
 Đối với cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề trên địa bàn các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực Cấp 1, Cấp 2 (vùng bình thường mới và vùng nguy cơ trung bình):
 
Học sinh, sinh viên đi học tập trung tại trường; các đơn vị phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 cho học sinh, sinh viên. Các trường học triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Sở Y tế Lâm Đồng. 
 
Đặc biệt, chú ý các nội dung sau: Các hoạt động tập thể chỉ tổ chức trong phạm vi lớp, không tập trung học sinh toàn trường, đảm bảo giãn cách theo quy định. Cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm túc, triệt để yêu cầu 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế). Thường xuyên theo dõi về tình hình, diễn biến sức khỏe học sinh, sinh viên, ghi nhật ký công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở trường; đối với những người có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải thông báo kịp thời với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại trường và y tế địa phương gần nhất để khám sàng lọc và cách ly y tế, chuyển đi điều trị ngay nếu xét thấy có dấu hiệu nhiễm bệnh. Trang bị máy đo thân nhiệt, nước rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn và hướng dẫn học sinh, sinh viên thường xuyên rửa tay, giữ gìn vệ sinh thân thể. Bố trí phòng cách ly tạm thời, chuẩn bị dụng cụ y tế để sử dụng ngay khi phát hiện người có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Thường xuyên vệ sinh phòng học, nơi ăn, ở của học sinh, sinh viên; khuyến khích học sinh, sinh viên tự trang bị bình, ly uống nước, khăn lau tay riêng (không dùng chung). 
 
Đối với các đơn vị có tổ chức bán trú nên trang bị khay thức ăn cho từng cá nhân, chia giờ ăn theo ca để tránh tập trung đông người trong cùng một thời điểm.
 
• Đối với cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề trên địa bàn các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực Cấp 3, Cấp 4 (vùng nguy cơ cao và nguy cơ rất cao) 
 
Trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên, học viên (gọi tắt là học sinh, sinh viên) tạm dừng đến trường. Thời gian thực hiện theo quyết định áp dụng của cấp có thẩm quyền ở địa phương. 
 
Đối với trẻ mẫu giáo: các trường phối hợp hướng dẫn cha mẹ trẻ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ trong thời gian không đến trường. 
 
Đối với giáo dục phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học và giáo dục thường xuyên: thực hiện dạy học, kiểm tra theo hình thức trực tuyến, kết hợp với các hình thức học qua kênh youtube, truyền hình…
 
Các cơ sở giáo dục và đào tạo vẫn thực hiện công tác quản lý, điều hành các hoạt động; thường xuyên theo dõi, quản lý chặt chẽ việc dạy học trực tuyến của giáo viên, việc học tập của học sinh, sinh viên.
 
• Phương án xử lý đối với một số tình huống có thể xảy ra khi tổ chức dạy học trực tiếp 
 
Khi trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo có trường hợp nghi mắc Covid- 19: Thông báo ngay cho Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch, Tổ an toàn Covid của địa phương. Thông báo ngay cho cha mẹ học sinh hoặc người thân của học sinh. Cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách. Yêu cầu hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 2 mét với những người khác. Thông báo cho lực lượng đã được phân công để phân luồng lối đi từ khu vực có trường hợp nghi ngờ đến phòng cách ly tạm thời.  Hướng dẫn trường hợp nghi ngờ di chuyển theo lối đi đã được phân luồng để đến phòng cách ly tạm thời, hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng. Gọi điện thoại cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc cơ quan y tế theo quy định của địa phương để được tư vấn, xét nghiệm SARS - CoV - 2 và nếu cần thì đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Không sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển trường hợp nghi mắc đến cơ sở y tế. Lập danh sách người tiếp xúc và thực hiện khử khuẩn tại nơi làm việc khi cơ quan y tế yêu cầu .
 
Khi trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo xuất hiện ca bệnh dương tính Covid-19 (F0):
 
Phối hợp với chính quyền và cơ quan chuyên môn y tế tại địa phương phong tỏa tạm thời ngay trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo khi xuất hiện ca bệnh; đồng thời đưa F0 đi cách ly, điều trị tại cơ sở y tế theo quy định và báo cáo ngay cho UBND cấp huyện. Phối hợp cơ quan chuyên môn y tế tại địa phương thực hiện vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn những nơi F0 có đến, ở, đi qua (phòng học, hành lang lớp học, nhà vệ sinh...). Rà soát ngay để phát hiện toàn bộ học sinh, giáo viên, người lao động đang có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh trong trường học và đang ở trong cộng đồng. Tổ chức ngay việc cách ly tạm thời tại trường học ca bệnh nghi ngờ và tổ chức lấy mẫu đơn tại một khu vực riêng. Lập danh sách những người có tiếp xúc gần với F0 (viết tắt là F1) để phối hợp đưa đi cách ly và lấy mẫu xét nghiệm SARS - CoV - 2 theo quy định. Truy vết F1 triệt để tại trường học cũng như trong cộng đồng. Tại trường học: tách ngay F1 ra một khu vực riêng để tổ chức cách ly theo quy định; tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học có F0 được coi là Fl; lấy mẫu bệnh phẩm F1 lần đầu theo mẫu đơn.
 
Trường hợp kết quả xét nghiệm RT-PCR lần 2 của F1 có mẫu dương tính (F1 trở thành F0 trong thời gian thực hiện cách ly): nhà trường thực hiện hoạt động dạy học trực tiếp; đồng thời, phối hợp với cơ quan y tế tiếp tục theo dõi sức khỏe, thực hiện khai báo y tế hàng ngày đối với cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên qua các ứng dụng khai báo y tế. 
 
Khi trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo xuất hiện F1:
 
Trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo tiếp tục hình thức dạy học trực tiếp, riêng lớp có trường hợp F1 chuyển sang dạy học trực tuyến. Lập danh sách những người có tiếp xúc gần với F1 (viết tắt là F2). Toàn bộ giáo viên, học sinh, sinh viên của lớp học là F2 phải cách ly tại nhà, tạm dừng đến trường chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR lần 1 của F1. Nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR F1 âm tính với SAR-CoV -2 thì trên cơ sở đánh giá nguy cơ dịch tễ để xác định F2 được kết thúc cách ly tại nhà và tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 14 ngày, hoạt động của trường và các lớp khác trở lại bình thường. 
 
Khi trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo xuất hiện F2:
 
Cơ sở giáo dục tiếp tục hình thức dạy học trực tiếp. F2 tạm dừng đến trường và thực hiện cách ly tại nhà chờ kết quả xét nghiệm lần 1 của F1. Nếu kết quả xét nghiệm F1 âm tính thì F2 kết thúc cách ly tại nhà và tiếp tục theo dõi sức khỏe 14 ngày, thực hiện 5 K. 
 
Yêu cầu đối với phòng cách ly tạm thời:
 
Có công trình vệ sinh khép kín, cửa phòng bố trí nơi rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh để thuận tiện sử dụng. Đảm bảo thực hiện phòng chống lây nhiễm bằng việc thực hiện vệ sinh thông khí; hàng ngày lau rửa nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong phòng bằng các dung dịch sát khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường, nhà vệ sinh sạch sẽ. Bố trí thùng đựng chất thải có nắp đậy (Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng của người cách ly vào thùng đựng chất thải. Đối với trường hợp có yếu tố tiếp xúc dịch tễ thì thu gom, vận chuyển và xử lý như chất thải lây nhiễm theo hướng dẫn của trạm y tế cấp xã; thu gom các rác thải sinh hoạt khác vào thùng đựng rác thải thông thường). Đảm bảo trang thiết bị y tế cơ bản theo quy định. Có nội quy khu vực cách ly, hạn chế tối đa những người không phận sự vào khu vực cách ly; đảm bảo an ninh, an toàn; không tổ chức ăn uống tập trung trong khu vực cách ly; cung cấp suất ăn cho người được cách ly và đảm bảo an toàn thực phẩm.









 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa