Tin tức

Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế

Thứ hai, 06/12/2021 - 15:31

(Lamdongtv.vn) - “Đẩy mạnh liên kết kinh tế vùng Tây Nguyên với các tỉnh Nam Trung Bộ giai đoạn đến năm 2030” đã chỉ ra thực trạng, cơ hội, thách thức về vấn đề này trong các dạng thức liên kết

Sáng ngày 5.12, tại Hà Nội, viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với đầu cầu thành phố Đà Lạt để tổng kết chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia  giai đoạn 2016 - 2020 với chủ đề Khoa học công nghệ  phục vụ phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế

Tham dự hội nghị đầu cầu Hà Nội có giáo sư Châu Văn Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm và công nghệ sinh học Việt Nam - Chủ nhiệm chương trình Tây Nguyên, Phó giáo sư - Tiến sỹ Bùi Nhật Quang - Ủy viên Trung ương Đảng - Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Đầu cầu tỉnh Lâm Đồng có ông  Phạm S – PCT UBND tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cùng các nhà khoa học trong cả nước.
 

 
Chương trình Tây Nguyên 2016 -2020 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế” là một chương trình KH&CN nghiên cứu tổng thể các lĩnh vực về khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và khoa học xã hội.. Tây Nguyên là khu vực có tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao  và là một nguồn lực quan trọng  đóng góp vào sự phát triển bền vững  của cả nước. Nghiên cứu của Đề tài “Đẩy mạnh liên kết kinh tế vùng Tây Nguyên với các tỉnh Nam Trung Bộ giai đoạn đến năm 2030” đã chỉ ra thực trạng, cơ hội, thách thức về vấn đề này trong các dạng thức liên kết như: liên kết thể chế, hạ tầng giao thông, liên kết chuỗi giá trị và liên kết doanh nghiệp.
Ở Tây Nguyên đang đặt ra nhiều khía cạnh và tình hình an ninh chính trị như: an ninh nội bộ; tư tưởng văn hoá; biên giới, nông thôn và xung đột xã hội; tội phạm xuyên quốc gia,... Từ những nghiên cứu thực tiễn trên, các nhà khoa học cũng đã đưa ra các định hướng phát triển vùng Tây Nguyên cụ thể như: Phát triển các tiểu vùng cân đối và có trọng điểm; Phát triển các dải hành lan phát triển kinh tế - đô thị; Phát triển lợi thế đặc thù gắn với phát triển du lịch ở Tây Nguyên. Xác định phát triển các khu, cụm công nghiệp, trong đó chú ý công nghiệp chế biến; Phát triển các vùng nông, lâm nghiệp.
Đồng thời khuyến khích sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới, bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm chủ lực. Coi trọng bảo đảm và giải quyết nhu cầu chính đáng về đất đai của người dân tộc thiểu số tại chỗ và người di cư theo kế hoạch; Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa pháp luật thực định và luật tục. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa mục tiêu phủ xanh đất rừng. Mặt khác chương trình nghiên cứu cũng đã đưa ra một số kiến nghị chính sách nhằm phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế như: Cần thay đổi quan điểm và nhận thức về lợi thế đặc thù và khai thác các lĩnh vực lợi thế đặc thù của Tây Nguyên; Hình thành cơ chế đặc thù cho vùng Tây Nguyên để khai thác hiệu quả các lợi thế đặc thù; Rà soát các loại quy hoạch sẵn có trên cơ sở khai thác lợi thế đặc thù toàn vùng Tây Nguyên và đảm bảo tốt về an ninh, quốc phòng; Đánh giá lại các chính sách xã hội, dân tộc, tôn giáo, an ninh của vùng Tây Nguyên trong khai thác các lợi thế đặc thù; Cần có cơ chế thúc đẩy khuyến khích đổi mới sáng tạo và các hoạt động khởi nghiệp nhằm tạo ra các tài sản trí tuệ mới.
Song song với đó, cần thiết của việc ban hành một nghị quyết chuyên đề có ý nghĩa thiết thực và có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng hệ thống các chính sách phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm chủ lực vùng Tây Nguyên. Chỉ đạo kịp thời và sâu sát các hoạt động tạo các cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển, ưu tiên tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, ứng dụng khoa học công nghệ, nguồn vốn và việc thu hút đầu tư để phát triển Tây Nguyên một cách ngày càng bền vững. Thông qua và giám sát thúc đẩy việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình dân tộc, Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình nông thôn mới để giúp vùng Tây Nguyên thông qua các chính sách ưu đãi của trung ương giúp tạo đà phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội, tạo sinh kế người dân, giảm nghèo bền vững.
 
Mai An

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa