Tin tức

Đam Rông với vấn đề dân di cư tự do

Chủ nhật, 10/11/2019 - 20:35

(Lamdongtv.vn) -Trong 10 năm trở lại đây, huyện Đam Rông đã có trên 1.300 hộ dân với trên 7.000 nhân khẩu từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang di cư vào, trong đó đa phần là đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng

 Là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng do luồng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống, lập nghiệp. Chính vì vậy trong những năm qua, bên cạnh việc phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống cho người dân, huyện Đam Rông đã triển khai nhiều giải pháp để ổn định tình hình dân di cư tự do, mặc dù vậy nhưng đó vẫn chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời

Về lâu về dài thì địa phương cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể để giải quyết triệt để tình trạng này.
Là hộ dân tộc Mông từ Lào Cai di cư vào thôn 5, xã Rô Men, huyện Đam Rông sinh sống, trước đây, cuộc sống gia đình Lý Sèo Quảng rất khó khăn, do không có chỗ ở ổn định, thiếu đất sản xuất và các nhu cầu về sinh hoạt khác. May mắn thay, sau khi được chính quyền địa phương xây dựng khu định canh, định cư, đầu tư, hỗ trợ giống cây trồng, phân bón để phát triển sản xuất, cuộc sống của gia đình ông Lý Sèo Quảng đã ổn định hơn trước. Ngày trước Lý Sèo Quảng chỉ biết đến những cây ngắn ngày như lúa, ngô, khoai, sắn thì nay gia đình ông còn canh tác được cả cây cà phê. 
Ông Lý Sèo Quảng - Thôn 5, xã Rô Men, huyện Đam Rông cho hay : Chúng tôi được địa phương hỗ trợ phân bón, cây trồng để canh tác, cuộc sống hiện nay đã khấm khá hơn có cái ăn, cái mặc cho trẻ nhỏ
Thống kê 10 năm trở lại đây, huyện Đam Rông đã có trên 1.300 hộ dân với trên 7.000 nhân khẩu từ các tỉnh phía Bắc di cư vào, trong đó đa phần là đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang. Dân di cư tự do sống thành từng nhóm rải rác trong rừng sâu, tập trung nhiều nhất tại các tiểu khu 178, 179, 180 xã Liêng S’rônh, xã Rô Men, Phi Liêng và Đạ k’ Nàng... Cuộc sống người dân chủ yếu trồng lúa nước, trồng cà phê và các cây trồng ngắn ngày trên vùng quy hoạch đất lâm nghiệp. Trôi hình. Ốm đau, bệnh tật, phá rừng để lấy đất sản xuất diễn ra thường xuyên. Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề dân di cư tự do, địa phương đã xây dựng, thực hiện các dự án quy hoạch, sắp xếp, ổn định đời sống cho các hộ di cư, đến nay 2 dự án tại thôn 5 xã Rô Men và Dự án tại tiểu khu 212 xã Phi Liêng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp ổn định cuộc sống cho các hộ dân di cư.
Ông Sùng A Sáng - Trưởng thôn 5, xã Rô Men, huyện Đam Rông nói : Trước đây người dân trong thôn khổ lắm, phải ở nơi này, nơi khác để sống qua ngày, tuy nhiên hiện nay bà con đã ổn định hơn rất nhiều

Ông Nguyễn Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Rô Men, huyện Đam Rông cho biết : Về gốc độ địa phương cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp người dân ổn định cuộc sống, hiện nay cái khó khăn nhất là số dân di cư tiếp tục tăng, kèm theo đó là đất sản xuất, hạ tầng, giao thông..
Cùng với việc sắp xếp ổn định đời sống cho các hộ dân, huyện Đam Rông còn được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt bốn điểm định canh, định cư cho trên 450 hộ dân với 2.400 nhân khẩu dân di cư tự do tại các xã Rô Men, Phi Liêng và xã Liêng Srônh, đến nay các điểm này đã cơ bản đi vào ổn định. Mặc dù vậy nhưng do nhu cầu đất ở, đất sản xuất và các nhu cầu bức thiết khác như giáo dục, y tế, văn hóa của dân di cư tự do rất lớn, bên cạnh đó số lượng dân di cư tiếp tục tăng lên qua các năm nên vẫn chưa thể đáp ứng được.
Ông Trần Minh Thức, Bí thư Huyện ủy Đam Rông cho biết : Chúng tôi đã xây dựng nhiều giải pháp, nhất là thường xuyên tuyên truyền trong nhân dân về các chủ trương, chính sách của đảng, hỗ trợ cây trồng, đầu tư xây dựng hạ tầng, giúp người dân di cư ổn định cuôc sống

Thực tiễn cho thấy không chỉ riêng gì huyện Đam Rông mà hiện nay tại một số địa phương khác như huyện Lạc Dương, Lâm Hà, huyện Bảo Lâm cũng đang đối mặt với những khó khăn trong giải quyết bài toán về dân di cư tự do, nhất là việc chăm lo cuộc sống, quy hoạch khu định cư, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, cấp đất sản xuất, đất ở và những nhu cầu bức thiết khác khi mà luồng dân di cư tự do từ các tỉnh phía bắc đến Lâm Đồng được dự báo vẫn tiếp tục tăng qua các năm. Do đó ngoài việc tăng cường giải pháp hạn chế luồng dân di cư tự do, địa phương cũng cần có những cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để dân di cư tự do được ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa phương ./.
Hoàng Ái

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa