(Lamdongtv.vn) - Thời gian qua công tác giảm nghèo đã được các cấp, ngành thực hiện đồng bộ, bảo đảm các nguồn lực cần thiết để việc giảm nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia .
Nhằm mục tiêu cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, thu hẹp dần khoảng cách về phát triển kinh tế xã hội giữa các địa phương.
Hôm nay, cuộc sống của gia đình chị Cill Ka Sim, tổ dân phố Đăng Giarit, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương đã có nhiều thay đổi. Từ sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình chị đã có một căn nhà mới khang trang thay thế căn nhà tôn cũ kỹ. Để giúp gia đình chị ổn định cuộc sống sau khi chồng bị tai nạn giao thông, mất khả năng lao động, chị còn được hỗ trợ một con bò và 1 số vốn nho nhỏ để canh tác diện tích cà phê hiện có.
Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, các địa phương trong tỉnh đã cụ thể hóa và triển khai bằng nhiều giải pháp khác nhau. Đặc biệt là phương pháp tiếp cận hộ nghèo, nắm rõ số lượng khẩu, hoàn cảnh khó khăn để tìm ra giải pháp giúp đỡ phù hợp. Như mô hình giải quyết việc làm cho lao động nghèo, nhàn rỗi tại phường 2-TP Bảo Lộc là một ví dụ cụ thể nhất. Để giúp chị em có công việc làm ổn định, với mức thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/ tháng, sau khi hình thành Hợp tác xã may đan len, Bà Trần Thị Diện đã tìm mọi nguồn hàng, tổ chức sắp xếp bố trí việc làm hợp lý cho hàng trăm lao động ngay tại HTX và tổ chức sản xuất tại nhà của người lao động.
Cùng với các chính sách đầu tư của Trung ương, tỉnh, một số địa phương tiếp tục ưu tiên và đầu tư từ nhiều chương trình, dự án cho các xã, thôn đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao; cơ sở hạ tầng các xã đông đồng bào dân tộc thiểu số, xã nghèo được cải thiện rõ nét, góp phần nâng cao chất lượng nhiều mặt cuộc sống của Nhân dân.
Theo đánh giá chung, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nội dung phong phú, đa dạng, gắn với thực tiễn đời sống người dân, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Công tác phối hợp đã phát huy được hiệu quả; trách nhiệm phối hợp giữa các bên được nâng cao, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội vào các phong trào, các cuộc vận động, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện ở địa phương. Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 0,2-0,3%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 0,5-1% theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.
Để giảm nghèo bền vững, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay của cả cộng đồng, thì sự nỗ lực vươn lên của chính những người nghèo là hết sức quan trọng. Chỉ khi nào bản thân người nghèo nhận thức được cần phải nỗ lực vươn lên thì khi đó các chính sách hỗ trợ của chính quyền, của xã hội mới thực sự hiệu quả, việc thoát nghèo mới thực sự bền vững.
Hoàng Phúc - Mạnh Thành