Tin tức

Niềm vui ở làng nghề

Thứ hai, 10/01/2022 - 09:34

(Lamdongtv.vn) - Trong lúc nhiều nơi, hoạt động các làng nghề truyền thống đối diện với nguy cơ mai một, thất truyền thì ở huyện Lâm Hà, người dân vẫn đang tích cực duy trì và phát triển công việc của mình

Từ làng nghề trồng dâu nuôi tằm ở thị trấn Nam ban hay làng nghề dệt thổ cẩm Đam Bao, mọi người vẫn hăng say làm việc vừa để nâng cao thu nhập vừa giữ gìn truyền thống tốt đẹp của địa phương mình. 
          Cũng như mọi ngày, hôm nay sau khi đã thu hái xong cà phê, bà Long Đinh Ka Sới ở thôn Đam Bao, xã Đạ Đờn huyện Lâm Hà lại tiếp tục công việc dệt thổ cẩm, cái nghề đã gắn bó với bà mấy chục năm qua. Phải mất 3 ngày miệt mài bên khung cửi mới làm ra được một tấm ui như thế này. Tuy nhiên tháng nào Bà Ka Sới cũng cho ra đời từ 8 tới 10 sản phẩm thổ cẩm được làm theo phương pháp thủ công quen thuộc. Dù thu nhập chỉ vài triệu đồng cho hàng chục ngày công lao động nhưng bà Ka Sới vẫn giữ nghề. Được ngồi bên khung cửi để dệt ra những tấm ui với đủ loại sắc màu hoa văn rực rỡ đối với bà Ka Sới là một niềm vui. Bà cho biết, mấy chục năm qua, việc dệt thổ cẩm đã giúp cho cả nhà mình có thêm đồng ra đồng vào, và cuộc sống vì thế thêm phần ổn định.
 
Bà Long Đinh Ka Sới xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà: Làm cái này cũng không vất vả lắm. Dù thu nhập không cao nhưng mà nó vui. Cứ ngày nào rảnh rỗi thì mình làm. Mấy ngày cuối năm này, không đi đâu nên mình cũng ở nhà dệt. Bà con ở đây cũng vậy. Họ vẫn gắn bó với nghề này dù thu nhập không cao. Nó là truyền thống của bà con mình nên mình luôn lưu giữ. 
2 năm nay do ảnh hưởng của dịch covid19 khiến các sản phẩm thổ cẩm do người dân ở thôn Đam Bao làm ra cũng khó tiêu thụ hơn trước. Tuy nhiên khung cửi của bà Ka Nhiên thì vẫn chưa bao giờ ngừng dệt. Cứ rảnh rỗi là bà lại cùng các chị em khác lại rủ nhau may những chiếc ui, những bộ quần áo thổ cẩm. Có đầu ra thì bán ngay, chưa có thì cứ để lại chờ. Mặt hàng này không lo hư hỏng nên mọi người đều yên tâm với công việc của mình.
 
Bà Ka Nhiên thôn Đam Bao, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà chia sẻ: Mình làm miết. Chưa bao giờ nghỉ. Và cũng không bỏ được. Cái này là truyền thống. Mình dệt từ hồi còn trẻ. Đôi lúc cũng gặp khó khăn ví dụ đầu ra hay giá cả. Nhất là dịch thì khó bán hơn. Nhưng mình cũng không lo lắm. Mình vẫn cứ làm và bán kiếm thêm tiền xài. Mình phải giữ truyền thống dệt thổ cẩm.
Ở thôn Đông Anh 5 thị trấn Nam Ban huyện Lâm Hà, những ngày cuối năm, ông Nguyễn Văn Hiển vẫn bận rộn hái lá dâu nuôi tằm. Ông là một trong hơn 80 nông hộ tham gia làng nghề dâu tằm tơ ở địa phương. Đã gần 30 năm trôi qua, Hoạt động của làng nghề giờ không còn tập trung như trước. Tuy nhiên việc duy trì mô hình này trong những năm qua không chỉ giúp thêm phần gắn kết cộng đồng, giữ gìn văn hóa mà nó còn giúp các nông hộ như ông Hiển thuận lợi hơn trong sản xuất và luôn tìm thấy niềm vui trong việc. 

Ông Nguyễn Văn Hiển, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà nói: Bà con cũng phấn khởi vì được sự quan tâm khuyến khích từ cơ quan chức năng như sàn tằm, mái che, nong né...bà con phấn khởi với làng nghề. Dù vất vả chúng tôi vẫn giữ nghề. Công việc rất là vui. Dù có rất nhiều nghề khác làm ra tiền nhưng bà con ở đây vẫn cứ tiếp tục với nghề quen thuộc của mình
Để tiếp tục duy trì và phát triển các làng nghề của địa phương, chính quyền các cấp huyện Lâm Hà bên cạnh khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân thì cũng đang tính tới các cơ chế chính sách nhằm hướng hoạt động của các làng nghề theo hình thức liên kết trong sản xuất, hình thành các tour tuyến tuyến du lịch về với làng nghề qua đó mở ra các cơ hội để phát triển trong thời gian tới.

Ông Đinh Đức Chí, Phó chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết: Đã nói làng nghề là nó gắn với lịch sử, văn hóa, dân cư. Hiện huyện đang bảo tồn được 2 làng nghề. Làng nghề dệt thổ cẩm và nuôi tằm. Với sự quan tâm của huyện thì các làng nghề vẫn đang phát triển tốt. Nghề trồng dâu thì người bắc đưa vào và họ phát triển lên rất là tốt. Để làng nghề phát triển thì làng nghề phải gắn với chuỗi sản xuất. Chúng tôi định hướng các làng nghề sẽ gắn với các tuor du lịch. Chúng tôi sẽ tính toán phát triển mô hình làng nghề gắn với du lịch cộng đồng. 
Sự tâm huyết gắn bó của người dân cùng sự chung tay khuyến khích hỗ trợ của các cấp chính quyền huyện Lâm Hà đã góp phần gìn giữ bảo lưu hoạt động các làng nghề truyền thống ở địa phương này trong mấy chục năm qua. Không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định từ 30 tới 80 triệu đồng cho hơn 200 lao động, trong đó phần đông là bà con dân tộc thiểu số mà điều này góp phần giữ gìn và phát huy được được nét đẹp văn hóa truyền thống tốt của địa phương./. 


 
Văn Thế

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa OK