Kể từ năm 2005, sau khi Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tỉnh Đắk Lắk đã và đang nỗ lực để gìn giữ di sản quý báu này
Danh tiếng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên từ lâu đã vượt ra khỏi biên giới Quốc gia, trở thành tài sản của nhân loại. Giá trị nổi bật của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là chứa đựng những giá trị sáng tạo mang tầm kiệt tác của nhân loại. Chủ nhân của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Với nhiều nội dung, giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện cam kết trong hồ sơ của UNESCO, đến nay tỉnh Đắk Lắk đã cấp ngân sách mua và cấp trên 150 bộ chiêng cho những đội chiêng tiêu biểu ở các buôn trong tỉnh. Tổ chức được hơn 130 lớp truyền dạy đánh chiêng cho hàng trăm thanh thiếu niên, học sinh người DTTS, phục dựng được hàng trăm nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với cồng chiêng; tổ chức biểu diễn định kỳ một tháng hai chương trình văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách tại trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk … với tổng kinh phí hơn 12,7 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ thiết thực đó, văn hóa cồng chiêng đang “sống lại” trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk.
Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho thấy, toàn tỉnh hiện có gần 2.100 bộ chiêng, có trên 5.1200 nghệ nhân biết đánh chiêng, và hàng trăm nghệ nhân biết chỉnh chiêng, biết chơi các nhạc cụ truyền thống…Những nghệ nhân này là lực lượng nòng cốt giữ gìn, và phát huy văn hóa cồng chiêng ở các buôn làng Đắk Lắk. Tỉnh Đắk Lắk cũng là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên có đến 5 Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa công chiêng của tỉnh. Điều này thể hiện sự quan tâm của cấp ủy chính quyền và các ban ngành đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương trên địa bàn tỉnh và sự chung tay của toàn hệ thống chính trị trong việc bảo tồn không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên /.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng