Tin tức

Phụ nữ nông nghiệp vượt khó, khẳng định mình

Thứ năm, 20/01/2022 - 09:18

(Lamdongtv.vn) - Dịch bệnh COVID-19 làm gián đoạn các chuỗi cung ứng nội địa và xuất khẩu, khiến nông dân Lâm Đồng gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản. Trước thực tế đó, các doanh nghiệp nữ trong lĩnh vực nông nghiệp đã sáng tạo đa dạng hóa các loại hình kinh doanh

  Dịch bệnh COVID-19 làm gián đoạn các chuỗi cung ứng nội địa và xuất khẩu, khiến nông dân Lâm Đồng gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản. Trước thực tế đó, các doanh nghiệp nói chung và  các chủ doanh nghiệp nữ trong lĩnh vực nông nghiệp đã sáng tạo đa dạng hóa các loại hình kinh doanh với sự ưu tiên trong bền vững môi trường, bình đẳng giới và giảm đói nghèo.. Đặc biệt, qua đây các nữ doanh nhân, tri thức chia sẻ các kinh nghiệm sản xuất kinh doanh thích ứng trong điều kiện đại dịch COVID-19.
 

 
Là đơn vị  do nữ làm chủ và lại khởi  nghiệp vào  đúng dịp dịch bệnh COVID-19 xuất hiện nên HTX Phụ nữ Trùn quế tại huyện Đơn Dương gặp không ít khó khăn. Nhưng với niềm cảm hứng của một người con sinh ra trên mảnh đất Đơn Dương, thủ phủ sản xuất rau củ quả của cả tỉnh đã thôi thúc chị Phạm Thị Thanh Tuyền – Giám đốc HTX  vượt qua những định kiến về giới, quyết tâm tìm lối đi cho HTX và truyền cảm hứng cho các chị em phụ nữ. Hiện HTX có 9 thành viên và 16 hộ liên kết, mỗi năm cho ra thị trường 140 tấn phân trùn quế chất lượng cao, phục vụ sản xuất, đạt doanh thu gần hơn 850 triệu đồng. Nhưng định hướng của HTX là không chỉ quan tâm vào thương mại mà HTX chú trọng chuyền giao kỹ thuật sản xuất phân trùn quế. Để từ đó chị em phụ nữ tận dụng các phế phẩm nông nghiệp sản xuất ra phân trùn quế vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa chủ động được phân bón trong bối cảnh loại vật tư này đang tăng giá như hiện nay.

Chị  Phạm Thị Thanh Tuyền – Giám đốc HTX  Phụ nữ Trùn quế -  huyện Đơn Dương: Khi tôi bắt đầu làm có người nghi ngờ liệu phụ nữ làm được không. Điều này càng khiến tôi quyết tâm khởi nghiệp để lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệp đến các chị em khác cùng phát triển
 


 
Những người phụ nữ bé nhỏ, họ không chỉ làm đẹp cho cuộc đời bằng bàn tay khéo léo mà còn cống hiến cho xã hội bằng khối óc thông minh, nhạy bén của mình. Đối với tiến sỹ Phạm Thị Hòa – Cán bộ Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã giành được học bổng của trung tâm nghiên cứu Quốc tế Úc Meryl Williams Fellowship. Chị Hòa vinh dự là 1 trong 4 học giả của Việt Nam  và 1 trong 42 học giả của Châu Á Thái Bình Dương vinh dự được nhận học bổng này. Từ nguồn học bổng Meryl Williams Fellowship đã góp phần nâng cao vai trò của nữ giới về kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng quản lý trong nông nghiệp. Với vị trí công tác tại Chi cục BVTV Lâm Đồng, chị đã hỗ trợ các  kiến thức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, từ đó truyền nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp nữ phát triển khẳng định mình.
 
Tiến sỹ Phạm Thị Hòa – Cán bộ Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Lâm Đồng: Chúng tôi đã nghiên cứu, khảo sát các doanh nghiệp nữ để nắm bắt những khó khăn, cùng tháo gỡ với họ nhằm giúp họ phát triển trên từng lĩnh vực cụ thể.
Bà Phạm Thị Nhâm – tổ trưởng tổ hỗ trợ khởi nghiệp - Phó Giám đốc Sở Khoa học công nghệ Lâm Đồng: Là một phụ nữ, tôi  thấu hiểu những khó khăn mà chị em phụ nữ gặp phải trong công tác kinh doanh cũng như sự nghiệp của mình nên tôi luôn đồng hành trên những chặng  đường. Đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp đang gặp những thách thức do dịch bệnh, chúng tôi đã định hướng, hỗ trợ để chị em có chiến lược phát triển phù hợp trong mỗi giai đoạn

 
Nông nghiệp là một  ngành kinh tế  trụ cột của đất nước và là ngành kinh tế mũi nhọn của Lâm Đồng. Những người phụ nữ làm nông nghiệp đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển ngành kinh tế quan trọng này.  Mỗi phụ nữ hãy mạnh dạn tiếp cận các nguồn tri thức, nâng cao năng lực, nỗ lực không ngừng, dám nghĩ dám làm, có bản lĩnh vươn lên, làm chủ công nghệ, làm chủ những vụ mùa bội thu trên những mảnh đất trù phú Lâm Đồng.
 
Mai An

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa OK