(Lamdongtv.vn) - Người Mông có nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, nổi bật trong số đó là nghệ thuật tạo hình trên nền trang phục luôn được người Mông lưu giữ, bảo tồn và phát huy.
Trước đây, đến với Lâm Đồng, du khách thường biết đến những bộ trang phục mang đậm văn hóa của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên như K’Ho, Churu, Mạ,v.v… Vậy mà tại một vùng đất cách Đà Lạt hơn 120km, vẫn còn một địa chỉ - nơi hiện vẫn đang lưu giữ và sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình.Thôn 5, xã Rô Men, huyện Đam Rông được biết đến là vùng kinh tế mới của đồng bào dân tộc Mông di dời từ vùng núi cao Tây Bắc vào Lâm Đồng. Người Mông có nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, nổi bật trong số đó là nghệ thuật tạo hình trên nền trang phục luôn được người Mông lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên cùng với cuộc sống hiện đại việc trồng cây lanh đã dần dần không còn mà thay vào đó người phụ nữ Mông đã biết mua những miếng vải dệt sẵn ở chợ về để thêu váy. Hoa văn trong trang phục của người Mông chủ yếu là hoa văn hình học. Những họa tiết này biểu hiện cho sự biến chuyển của mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian, là vốn văn hóa chung của nhiều dân tộc, nhưng được thể hiện đậm đà trong trang trí của người Mông.
Phụ nữ Mông chính là tác giả của nghệ thuật tạo hình trên nền trang phục vì cả cuộc đời họ đều gắn bó với công việc thêu hoa văn, may vá trong gia đình. Khi thêu, trí tưởng tượng của người phụ nữ Mông khá phong phú, họ không có hình mẫu mà vẫn thêu được những họa tiết đẹp. Đặc biệt là kỹ thuật ghép vải để tạo hoa văn của người Mông khá độc đáo, hấp dẫn, tạo những khoang màu khác nhau. Khi thêu, người phụ nữ mông thường tính toán tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ, kích thước trên toàn bộ hoa văn trong mảnh vải, vì chỉ cần nhầm một mũi kim là lại phải gỡ ra làm lại. Và những bộ trang phục đậm sắc màu thổ cẩm được hình thành theo năm tháng nhọc nhằn của người phụ nữ Mông. Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông gồm áo xẻ ngực, váy, tấm vải che phía trước váy, tấm vải che phía sau váy, thắt lưng và xà cạp.
Với bàn tay khéo léo, óc sáng tạo và niềm đam mê, những cô gái dân tộc Mông ở mảnh đất cao nguyên Lâm Viên đã làm nên những sản phẩm độc đáo, như thể hiện ý nguyện vượt lên sắc màu của thiên nhiên, để tôn vinh và khẳng định vẻ đẹp của con người. Với sự cần cù và trí tưởng tượng phong phú, người phụ nữ Mông đã trở thành người nghệ sĩ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật làm say đắm lòng người./.
Thảo Trang