(Lamdongtv.vn) - Cứ vào dịp cuối năm, đặc biệt là trong dịp tết Nguyên Đán cận kề thì sức mua của người dân tăng cao. Mặc dù vậy, theo khảo sát của ngành chức năng, các hệ thống chợ, siêu thị và các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn Lâm Đồng đã chuẩn bị sẵn sàng cung ứng hàng chục ngàn tấn hàng hóa lương thực, thực phẩm mỗi ngày để đảm bảo nhu cầu của người dân trước, trong và sau Tết
Chị Nguyễn Ngọc Tâm - Một người dân tại TP Đà Lạt đang chuẩn bị những món hàng thiết yếu phục vụ tết Nguyên Đán cho gia đình. Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng nhìn chung chị Tâm cũng như nhiều người dân đều cố gắng chuẩn bị một cái tết tươm tắt vì vậy mua sắm nhiều hơn vào dịp tết nhất là các mặt hàng bánh, mứt. Tuy nhiên, giá cả vẫn ổn định và nguồn hàng hóa khá dồi dào.
Bên cạnh hệ thống các quầy tạp hóa bán lẻ, nhiều người tiêu dùng Lâm Đồng vẫn có xu hướng mua hàng tại siêu thị. Tại siêu thị Go! Đà Lạt, bước vào dịp cao điểm mùa mua sắm Tết Nhâm Dần 2022, đơn vị này đã dự trữ lượng hàng hóa tăng 20-25% so với thời điểm này năm ngoái. Đặc biệt, mặt hàng rau, củ, quả tươi sống được siêu thị dự phòng gấp 5 lần ngày thường; thực phẩm thiết yếu như gạo, mì gói, đồ hộp,… được dự trữ đủ trong 1 - 2 tháng để cung cấp cho khách hàng. Thêm vào đó, trước nhiều dự báo, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, do vậy, các siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường năm này như Go! Đà lạt có các 57 mặt hàng cam kết bình ổn thấp hơn giá trị trường 5-10% và cam kết không tăng giá các sản phẩm nhu yếu phẩm dịp Tết. Cùng với đó là đa dạng hình thức bán hàng thay vì chỉ chú trọng bán hàng trực tiếp như các năm trước.
Sức mua năm nay không bằng những năm trước nhưng vẫn có thể đột biến vì người dân, đặc biệt là công nhân sẽ ở lại đón Tết nhiều hơn các năm trước bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, việc chuẩn bị hàng hóa trong Tết phải ở cường độ cao, chủ động các tình huống nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của mọi tầng lớp Nhân dân. Theo ghi nhận tại Chợ Đà Lạt, hơn 800 quầy hàng thuộc 12 ngành hàng đều đảm bảo lượng hàng hóa cung cấp, dù không dự trữ nhiều nhưng đa phần các mặt hàng đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Dù không tham gia chương trình bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán, nhưng các chợ truyền thống đều đã tuyên truyền, vận động tiểu thương ổn định giá bán, niêm yết giá rõ ràng, tránh các hành vi ghim hàng, tăng giá bất hợp lý.
Trải qua một năm nhiều biến động, người dân địa phương đang chuẩn bị đón Tết với sự phấn khởi và nhiều kì vọng. Việc chủ động chuẩn bị hàng hóa đa dạng, đầy đủ, đảm bảo chất lượng với giá cả bình ổn sẽ góp phần cho người dân Lâm Đồng đón một cái Tết an toàn, tiết kiệm và đủ đầy và một năm mới bình an.
Mai An