Tin tức

Lâm Đồng giải pháp đẩy nhanh tiến độ vốn đầu tư công

Thứ ba, 01/03/2022 - 09:36

(Lamdongtv.vn) - Năm 2021 là một năm gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, giá cả vật liệu, nhân công tăng cao và nhiều yếu tố bất lợi khác dẫn đến tiến độ triển khai vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa đạt được như kỳ vọng

Trong tổng số trên 5.500 tỷ đồng kế hoạch vốn được bố trí cho các danh mục, dự án đầu tư công, đến hết năm 2021, khối lượng thực hiện, giải ngân chỉ mới đạt trên 83% kế hoạch. Vậy trước những khó khăn, thách thức và yêu cầu đặt ra trong triển khai thực hiện nguồn vốn đầu tư công, năm 2022, Ngành chức năng của tỉnh và các địa phương sẽ có những giải pháp cụ thể như thế nào? 
 

Năm 2021, tỉnh Lâm Đồng được phân bổ, bố trí trên 5.500 tỷ đồng để thực hiện các danh mục công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu thực hiện giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn. Song đến hết năm 2021, tỷ lệ giải ngân chỉ mới đạt trên 83% kế hoạch. Nhiều địa phương như Di Linh, Đạ Tẻh, Cát Tiên có tỷ lệ giải ngân thấp, đạt từ 70% -80% kế hoạch. Ngoài ra một số Sở, ban, Ngành tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ mới đạt 40-60% kế hoạch. Rõ ràng, việc giải ngân vốn đầu tư công không bảo đảm tiến độ khiến cho nhiều công trình, dự án không thể đưa vào sử dụng theo kế hoạch, gây lãng phí, thất thoát nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên đã có mặt tại dự án đường ĐH93, một trong những công trình giao thông nối thị trấn Cát Tiên với xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên. Đại diện đơn vị cho biết: Dự án có tổng mức đầu tư hơn 62 tỷ đồng nhằm thực hiện trên 8km đường giao thông kết nối các xã đến Trung tâm huyện. Mặc dù vậy, do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như khó khăn trong khâu bàn giao mặt bằng, bởi đây là dự án không thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng mà chủ yếu vận động người dân hiến đất nên ảnh hưởng rất lớn quá trình triển khai. Hiện dự án này chỉ mới thực hiện thảm trên 4km và đang triển khai các hạng mục còn lại. 
 

 
Thống kê của Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Lâm Đồng, năm 2021 trong tổng số trên 5.500 tỷ đồng vốn đầu tư công, đến hết năm 2021, tỷ lệ giải ngân chỉ mới đạt trên 83% kế hoạch vốn và đến hết mốc tháng 1/2022 tỷ lệ giải ngân bình quân toàn tỉnh chỉ mới đạt 94% kế hoạch vốn của năm 2021. Cũng theo Ngành chức năng địa phương, nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu là do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội khó khăn về nhân lực, vật lực nên nhiều dự án không thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo kế hoạch. Cùng với đó năm 2021 giá cả vật liệu sắt, thép tăng cao, nguồn cung cấp đất, đá xây dựng khan hiếm, tình hình thời tiết bất lợi khiến nhiều đơn vị thi công chưa quyết liệt triển khai thực hiện, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai các dự án. 
 


 
Năm 2022, tỉnh Lâm Đồng được bố trí, phân bổ trên 5.100 tỷ đồng để thực hiện các danh mục, công trình, dự án đầu tư công, trong đó trên 4.200 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, trên 900 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương. Để thực hiện bảo đảm tiến độ kế hoạch vốn, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã có công điện 444 về việc triển khai kế hoạch, trong đó yêu cầu các Sở, Ban Ngành của tỉnh và chính quyền các huyện, thành phố tập trung việc đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác tiếp nhận xử lý hồ sơ, thẩm định dự án đầu tư, sớm lựa chọn nhà thầu. Cùng với đó tăng cường giám sát tiến độ đầu tư các dự án, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tích cực chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện tuân thủ theo đúng các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết nhằm bảo đảm dự án triển khai theo đúng tiến độ.  Ngoài ra, chủ đầu tư dự án cần phải nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành, tăng cường kiểm tra, giám sát thi công tại hiện trường, xây dựng bản tiến độ, lộ trình, nghiệm thu khối lượng thực hiện, hoàn thành hồ sơ quyết toán, đồng thời làm rõ trách nhiệm, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
 

 
Ngay từ những tháng đầu của năm 2022 với những thuận lợi trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, việc thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới và sự quyết liệt của các Ngành, các địa phương, chủ đầu tư và đơn vị thi công trong triển khai thực hiện nguồn vốn đầu tư công. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để ngành, các địa phương quyết tâm thực hiện bảo đảm nguồn vốn đầu tư công theo đúng tiến độ, kế hoạch nhằm sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, qua đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đồng thời tránh gây lãng phí nguồn ngân sách nhà nước./.
 
Hoàng Ái

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa