Tin tức

Tạo sự lan tỏa để Nghị quyết 10 đi vào thực tiễn của công việc

Thứ tư, 20/04/2022 - 09:10

(Lamdongtv.vn) - Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với những mục tiêu giải pháp cụ thể mang tính đồng bộ và khả thi

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành liên quan đã sớm triển khai, nhằm tạo sự lan tỏa, rộng khắp để Nghị quyết đi vào thực tiễn của công việc.

Tiểu khu 267, xã Hiệp An, lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh, huyện Đức Trọng quản lý. Ngay sau khi địa bàn này rừng bị xâm hại, đơn vị đã tổ chức ngay việc trồng rừng, đồng thời tổ chức quản lý không để bị lấn chiếm. Đối với cấp ủy đảng địa phương đã bám sát Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy triển khai, xem đây là nhiệm vụ hàng đầu, thực hiện theo đúng chỉ đạo của tỉnh.

Nghị quyết 10 của Tỉnh uỷ Lâm Đồng đặt ra những nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, hàng năm giảm từ 20% trở lên về số vụ vi phạm, diện tích rừng và khối lượng lâm sản bị thiệt hại; số vụ vi phạm phát hiện được đối tượng vi phạm đạt từ 85% trở lên; giải tỏa, thu hồi toàn bộ diện tích rừng mới bị phá, đất lâm nghiệp mới bị lấn chiếm để trồng lại rừng; khoanh nuôi tái sinh rừng. Đồng thời triển khai trồng rừng, chăm sóc rừng trồng trên diện tích thu hồi gắn với chương trình trồng 50 triệu cây xanh. Các đơn vị liên quan chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn quản lý, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng từ 55% trở lên. Đặc biệt tiếp tục phát huy lợi thế làm giàu từ rừng, nâng cao giá trị kinh tế của ngành Lâm nghiệp lên 4 - 5% hàng năm. 

Một trong nội dung cụ thể nhất được Nghị quyết 10 nêu rõ, trong các nhiệm vụ, cấp ủy đảng phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ rừng. Đối với cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp xã cần đề cao trách nhiệm hơn nữa trong việc quản lý tài nguyên rừng, đất đai, khoáng sản; tổ chức quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp theo đúng quy hoạch, xem đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị. Đối với ngành lâm nghiệp, bám sát chỉ đạo của Nghị quyết 10, đơn vị đã xây dựng kế hoạch cụ thể; thời gian qua đã thực hiện nghiêm công tác quản lý cán bộ, luân chuyển; đẩy mạnh phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức kiểm tra, giám sát, nhất là thực hiện khôi phục các diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm trước đây.

Cũng theo nội dung của Nghị quyết 10 được Tỉnh ủy  ban hành, trong giai đoạn đến năm 2030, mục tiêu của tỉnh Lâm Đồng là phải tiếp tục thực hiện các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng hiện nay mà phải hướng đến tầm nhìn 2030. Có thể khẳng định, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những mục tiêu mà Nghị Quyết 10 đề ra đã nhận được sự đồng thuận của các cộng động xã hội, tạo sức lan tỏa mãnh mẽ, cùng chung tay góp sức bảo vệ rừng trên địa bàn phát triển bền vững.
Mạnh Thành

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT