(Lamdongtv.vn) - Lâm Đồng có trên 580 nghìn ha rừng, rất cần một lực lượng đảm bảo để quản lý. Tuy nhiên, hiện các đơn vị làm nhiệm vụ này chưa đủ quân số để làm việc.
Việc thiếu hụt nhân lực đang khiến cho nhiệm vụ giữ rừng trở nên khó khăn, xa hơn là nguy cơ mất rừng trong bối cảnh tình hình vi phạm lâm luật diễn ra phức tạp.
Áp lực trách nhiệm đảm bảo an toàn cho những cánh rừng đang đè nặng trên vai những người ở lại. Vì vậy rất cần những chính sách phù hợp, vừa thu hút được nguồn nhân lực đầu vào vừa tạo sự yên tâm để người giữ rừng yên tâm làm việc!
Phải quản lý hơn 40.000 ha rừng, tuy nhiên hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ Đạ Nhim, huyện Lạc Dương chỉ có 36 người, thiếu đến 16 người, trong đó 10 nhân viên làm việc hành chính, số còn lại phải luân phiên giữ rừng và kiêm nhiệm nhiều tiểu khu. Thu nhập thấp và áp lực công việc khiến nhiều nhân viên kể cả trạm trưởng, người có thu nhập cao hơn cũng viết đơn xin nghỉ việc.
Tương tự, Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh, huyện Đức Trọng hiện cũng thiếu đến 10 biên chế trong tổng số 28 người. Quản lý hơn 17.000ha rừng, địa bàn trãi rộng, nên nhiều địa bàn có thời điểm một nhân viên phải phụ trách 2 đến 3 tiểu khu. Theo đơn vị quản lý, thu nhập của một kỹ sư lâm nghiệp mới ra trường vào làm việc chỉ khoảng 3,5 đến 4 triệu đồng, không có khoản nào thêm, trong khi đó hàng ngày phải tự chủ xăng xe đi rừng, nên hiện có 2 - 3 nhân viên xin nghỉ việc.
Áp lực giữ rừng với việc thiếu người không chỉ ở các ban, công ty lâm nghiệp, mà ngay cả ngành kiểm lâm, nhân lực để thực thi pháp luật về lâm nghiệp cũng đang thiếu. Theo các đơn vị quản lý, nguyên nhân lớn nhất khi cán bộ, nhân viên giữ rừng phải đối mặt với áp lực giữ rừng, lâm tặc đe dọa, chế độ đãi ngộ thấp…. .
Lâm Đồng hiện có hơn 5.800ha rừng. Cần một lực lượng đủ để bảo vệ. Tuy nhiên, theo Ngành Lâm nghiệp, hiện nay các đơn vị làm công tác bảo vệ rừng đều thiếu khá nhiều biên chế. Riêng ngành kiểm lâm đang thiếu 70 biên chế trong tổng số 282 người; 14 ban quản lý rừng nhà nước thiếu 58 người; 8 công ty lâm nghiệp thiếu 58 người. Ngoài ra, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Vườn Cát Tiên, Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, mỗi đơn vị cũng đang thiếu đến 20% nhân lực giữ rừng. Rõ ràng, thiếu hụt nhân lực đang đè nặng trên vai những người ở lại.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng những năm qua luôn được Tỉnh ủy - UBND tỉnh Lâm Đồng luôn xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành. Điều này thể hiện rõ, đối với ngành lâm nghiệp việc kỷ luật trong ngành ngày càng nghiêm hơn; cán bộ quản lý và nhân viên giữ rất dễ đối mặt với án phạt kỷ luật; thậm chí bị truy tố khi để xảy ra các vụ vi phạm lâm luật ngay trên địa bàn mình quản lý, dù đó là những vụ việc bất khả kháng. Để ổn định tư tưởng và đảm bảo một phần mức thu nhập ổn định của người giữ rừng thì cần có những cơ chế, chính sách phù hợp nhất, thuận lợi nhất để tạo yên tâm cho người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng hiện tại.
Mạnh Thành - Hoàng Phúc