Tin tức

Hoạt động của ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tại kỳ họp thứ 8

Thứ tư, 20/11/2019 - 06:50

(Lamdongtv.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng

Hai Luật này cùng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo hành lang pháp lý trong công tác phòng chống thiên tai, quản lý đê điều, cơ bản phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo an sinh, xã hội. Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã đóng góp ý kiến vào những dự thảo luật này.
Luật Phòng, chống thiên tai có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2014. Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007. Tại các tổ thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với việc sửa đổi 2 Luật. Tuy nhiên, Dự thảo Luật cần thể hiện rõ nét hơn một số nội dung như: Đổi mới nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai“đặt yêu cầu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu… ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển”; Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai đến năm 2030 đạt trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực; nâng cao năng lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; Tập trung đầu tư công trình PCTT, công trình đê điều; huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này…
Cũng tại tổ thảo luận, các đại biểu cho ý kiến về sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng. Luật Xây dựng ban hành năm 2014, có hiệu lực năm 2015, sau hơn 4 năm thực hiện đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng. Theo các đại biểu, dự thảo Luật được xây dựng từ yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Do đó, về cơ bản, dự thảo Luật có tính khả thi cao. Tuy nhiên, một số quy định trong dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát thêm về tính khả thi, tính cụ thể như: phân loại, cấp công trình xây dựng; xây dựng công trình cấp bách; quản lý trật tự xây dựng; quy định trách nhiệm của các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng công trình; bổ sung chế tài để nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng….
Về vấn đề thẩm định các dự án xây dựng cơ bản, Đại biểu Nguyễn Tạo - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị nên giao về một đầu mối do các sở Xây Dựng hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương hoặc các cơ quan có thẩm quyền thấm định để tránh sự chồng chéo.
Hữu Phúc

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa