(Lamdongtv.vn) - Đoàn thanh tra của Ban Tôn giáo Chính phủ do ông Nguyễn Tiến Trọng - Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ làm Trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thực hiện các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh
Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Đặng Trí Dũng - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh có liên quan.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện Đoàn thanh tra Ban Tôn giáo Chính phủ công bố Quyết định thanh tra số 515 ban hành ngày 27/4/2022 của Ban Tôn giáo Chính phủ về thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn năm 2019 - 2021. Thời gian thanh tra từ ngày 9/5 đến ngày 13/5/2022.
Tỉnh Lâm Đồng hiện có 278 cơ sở tín ngưỡng, với 7 tôn giáo được Nhà nước công nhận. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản diễn ra bình thường, tuân thủ quy định của pháp luật; an ninh trật tự tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được đảm bảo; cùng với việc chăm lo củng cố đời sống đức tin, các tổ chức tôn giáo đã chủ động, tích cực thực hiện công tác từ thiện xã hội; chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Tại hội nghị, các đại biểu Đoàn thanh tra và của tỉnh đã trao đổi, giải trình, làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến những kết quả đã thực hiện, những tồn tại, hạn chế đối với công tác tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương; đồng thời đề xuất các giải pháp giúp cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại tỉnh Lâm Đồng được triển khai hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Trọng - Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của tỉnh đối với công tác tôn giáo; qua đó, đã đem lại nhiều kết quả tích cực; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra ổn định, đúng quy định, không để xảy ra các điểm nóng về tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời nhấn mạnh, mục đích của việc thanh tra nhằm đánh giá những mặt đã làm được, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế của bộ máy quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo để từ đó tìm ra các nguyên nhân, phát hiện các bất cập, vướng mắc để Ban Tôn giáo Chính phủ đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh phù hợp với thực tiễn hiện nay./.
Thế Hạnh