Xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình 10 năm trước là vùng cát trắng, cây cối khó phát triển. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản titan. Việc khai thác khoáng sản và hoàn thổ sau khai thác là điều khoản bắt buộc
Nhờ đó, những năm qua, hàng trăm hecta vùng đồi cát cằn cỗi nay đã được phủ xanh bằng các loại cây thích ứng với môi trường.
Trước khi đi vào khai thác titan, khu vực này vốn là vùng đồi cát, cây cối không thể phát triển được. Sau khi khai thác hết titan, công tác hoàn thổ được thực hiện nghiêm túc với sự giám sát của người dân và chính quyền địa phương, đã mang đến một diện mạo mới cho khu vực. Hơn 100 hecta đồi cát giờ đã được phủ xanh bằng cây keo lai và tràm hoa vàng.
Trên vùng cát trắng Sen Thủy của huyện Lệ Thủy, có 3 đơn vị được cấp phép khai thác titan, trên diện tích hơn 360 hecta, trong thời hạn 17 năm. Công tác hoàn thổ được thực hiện bởi một Ban điều hành riêng, mỗi đơn vị, sau khi hoàn thành khai thác titan trên diện tích 1 hecta thì trích lại cho Ban điều hành 72 triệu đồng chi phí hoàn thổ để trồng cây xanh. Đây là khoản tài chính bắt buộc, để phủ xanh các đồi cát nơi đây.
Công tác hoàn thổ được triển khai nghiêm túc dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương đã đem lại màu xanh cho vùng cát nghèo Sen Thuỷ. Trồng rừng chắn cát trên các vùng ven biển Quảng Bình vốn rất khó, đòi hỏi thời gian dài, thời gian tới, với sự chung tay của doanh nghiệp, chính quyền địa phương sẽ tăng cường công tác giám sát để tiếp tục mở rộng các cánh rừng chắn cát.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng