Tin tức

Hội LHPN giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình tại Đạ Tẻh

Thứ năm, 23/06/2022 - 07:07

(Lamdongtv.vn) - Thực hiện chương trình công tác năm 2022, vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lâm Đồng đã thành lập đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2014-2021 tại huyện Đạ Tẻh và xã Quốc Oai


Trong buổi sáng ngày 07/6, đoàn giám sát đã làm việc tại xã Quốc Oai. Trong giai đoạn 2014-2021, UBND xã đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác gia đình và Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn. Từ năm 2014 đến năm 2021, đã tổ chức được 45 lượt tuyên truyền phổ biến, giáo dục về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới trên hệ thống truyền thanh của xã; cấp phát nhiều tài liệu hướng dẫn công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam; cử cán bộ, cộng tác viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về công tác gia đình; tổ chức các buổi sinh hoạt, tọa đàm, gặp mặt và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục, thể thao; lồng ghép với các phong trào, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể…Đến nay có 100% cán bộ, Đảng viên trong xã được quán triệt, phổ biến luật và có đông đảo người dân biết luật phòng, chống bạo lực gia đình. 
Công tác hòa giải ở 6/6 thôn hoạt động có hiệu quả và đạt được những kết quả đáng khích lệ, các tổ hòa giải đã được kiện toàn bảo đảm quy định. Giai đoạn 2014-2022, đã tổ chức hoà giải 10 vụ liên quan đến mâu thuẫn vợ chồng, dẫn đến bạo lực gia đình (trong đó 04 vụ hoà giải thành, 06 vụ hoà giải không thành); các vụ hoà giải chủ yếu liên quan đến mâu thuẫn tình cảm, mất tài sản, vợ hoặc chồng rượu chè say xỉn, ghen tuông, dẫn đến đánh đập vợ con… 
Hiện nay trên địa bàn xã đang duy trì 01 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình – xâm hại trẻ em với 30 hội viên tham gia, 02 câu lạc bộ Phụ nữ với kiến thức pháp luật với gần 150 hội viên. Đoàn thanh viên với mô hình thanh niên nói không với ma tuý với 20 thành viên…
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí đồng chí Phạm Thị Ánh Tuyết – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, trưởng đoàn giám sát – đã tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của xã; đồng thời đề nghị UBND xã cần tiếp tục tuyên truyền những nội dung cốt lõi trong Luật phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân biết, nâng cao nhận thức. Xây dựng địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh cho những trường hợp bị bạo lực gia đình. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ của địa phương. 
Tiếp đó, đoàn đã đến thăm, động viên và tặng quà cho 1 hộ có bạo lực gia đình trên địa bàn xã.
Buổi chiều cùng ngày, đoàn giám sát tiếp tục có buổi làm việc với UBND huyện Đạ Tẻh. Dự buổi làm việc với đoàn có đồng chí Đinh Viết Bảo - ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Nguyễn Văn Tuyên - ủy viên BTV, trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện; lãnh đạo các phòng Văn hóa, Tư pháp; Lao động Thương Binh và Xã hội; hội LHPN huyện; trung tâm y tế; văn phòng HĐND&UBND huyện.
Để triển khai có hiệu quả công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; UBND huyện Đạ Tẻh đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác gia đình và Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn huyện. Từ năm 2014 đến năm 2021, đã tổ chức được 900 lượt tuyên truyền phổ biến, giáo dục về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới trên hệ thống truyền thanh huyện; gần 700 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền; cấp phát gần 4.000 cuốn tài liệu các loại; phối hợp mở 07 lớp tập huấn về công tác gia đình cho các đối tượng cán bộ phụ trách công tác gia đình, trưởng thôn, tổ dân phố của các xã, thị trấn…
Công tác hòa giải ở các cơ sở trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đã được triển khai kịp thời, hoạt động ổn định và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tại các thôn, tổ dân phố có 24 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động 2 tháng 1 lần, với 2 chức năng: tư vấn, hòa giải và can thiệp kịp thời các vụ bạo lực gia đình xảy ra tại địa phương. Từ năm 2014 đến năm 2021, toàn huyện đã xảy ra 97 vụ bạo lực gia đình. Nhìn chung, số vụ bạo lực gia đình có chiều hướng giảm qua từng năm, biện pháp xử lý đa số là hòa giải và góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư. 
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 09 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại các xã, thị trấn (xã An Nhơn được chọn làm mô hình điểm), có 13 câu lạc bộ phòng chống BLGĐ, 24 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình. Các mô hình thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể lồng ghép các nội dung về phòng chống BLGĐ với các nội dung sinh hoạt, phong trào. Nhờ vậy, trong những năm gần đây tình trạng BLGĐ trên địa bàn huyện cơ bản được kiềm chế.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo của UBND huyện về công tác phòng chống bạo lực gia đình, giai đoạn 2014-2021; các ý kiến đóng góp của lãnh đạo các Sở, Phòng chuyên môn cùng đề xuất, kiến nghị của địa phương; đồng chí Phạm Thị Ánh Tuyết – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, trưởng đoàn giám sát – đã đề nghị các nội dung địa phương cần triển khai thực hiện trong thời gian tới, đó là: tiếp tục xác định công tác gia đình là một trong những nội dung hết sức quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Phát huy, quan tâm hơn nữa đến công tác gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em; trong đó có công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Tiếp tục triển khai các nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền về phòng chống BLGĐ gắn với một số nội dung khác liên quan đến hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn… Lồng ghép Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về Một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và các nội dung liên quah đến phòng, chống bạo lực gia đình. Cần thống kê bổ sung số liệu về công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo, phương án hỗ trợ. Phát huy vai trò của cấp ủy, chi bộ, tổ dân phố, thôn, ban chỉ đạo…để hạn chế bạo lực gia đình phát sinh. Tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của xã Quốc Oai và huyện Đạ Tẻh để gửi UBND tỉnh. Sau hội nghị này, địa phương thống kê tỷ lệ ly hôn, đề xuất giải pháp để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng này bổ sung vào báo cáo cho Đoàn giám sát. Phát huy hơn nữa sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện đối với công tác cán bộ nữ. Tiếp tục quan tâm đến kinh phí, chế độ chính sách đối với các hòa giải viên, thành viên ban chỉ đạo…để công tác xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình của địa phương đạt được những kết quả mong muốn./.
CTV: Cẩm Vân 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa