Tin tức

Đánh giá tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 khu vực phía Nam

Thứ hai, 27/06/2022 - 06:53

(Lamdongtv.vn) - Lãnh đạo Sở Y tế và các ngành liên quan tỉnh Lâm Đồng đã tham dự Hội nghị trực tuyến với 20 tỉnh, thành phố phía Nam về kiểm điểm tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 do Bộ Y tế tổ chức

Hội nghị cũng được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu các bệnh viện khám bệnh và trung tâm y tế các địa phương trong tỉnh.
Theo Cục Y tế Dự phòng, tình hình tồn vắc xin Pfizer đến ngày 22/6 tại các tuyến toàn quốc còn 5,3 triệu liều sẽ hết hạn vào 30/6. Trong đó, có 1,5 triệu liều từ nguồn ngân sách nhà nước, còn lại chưa rõ nguồn. Từ các địa phương tổng hợp cho thấy khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam còn tồn 2,5 triệu liều là nhiều nhất so với các khu vực khác, khả năng sử dụng khó khăn, nguy cơ dư thừa rất lớn. Trong đó vắc xin tồn nhiều nhất là tại TP Hồ Chí Minh 600 ngàn liều, Đồng Nai 500 ngàn liều và các tỉnh khác hầu hết tồn khoảng 100 ngàn liều. Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn tiêm nhắc các mũi. Tuy nhiên, toàn quốc tỉ lệ tiêm liều nhắc lại lần 1 chỉ đạt 65%. Nếu tính trên số đối tượng đã tiêm 2 liều cơ bản thì hiện còn 24 triệu đối tượng cần tiêm mũi nhắc lại (mũi 3); mới chỉ có 12 tỉnh đạt mũi tiêm nhắc trên 80%. Trong tháng 6, tốc độ tiêm trung bình cả nước 200 - 300 ngàn mũi tiêm/ngày. Ngày (23/6), số mũi tiêm tăng lên cũng chỉ đạt 500 ngàn liều/ngày. Theo tính toán, phải đạt 600 - 700 ngàn mũi/ngày trong 7 ngày tới thì mới tiêm hết số lượng vắc xin còn tồn.  Bộ Y tế đề xuất các tỉnh, thành phố cần đẩy nhanh tiêm nhắc lại cho các đối tượng, lưu ý sử dụng vắc xin Pfizer từ nguồn ngân sách Nhà nước với khoảng 1,5 triệu liều là con số thống kê chưa đầy đủ và thực hiện điều chuyển vắc xin cho một số địa phương. 
Hội nghị đã phân tích nguyên nhân và giải pháp để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, nhằm giải quyết hết số vắc xin còn tồn ngay trong tháng 6. Trong đó, đối tượng mắc Covid-19 từ 18 tuổi trở lên khi hết bệnh phải tiêm ngay, còn dưới 18 tuổi sau khi mắc Covid-19 phải đợi 3 tháng mới tiêm vắc xin theo quy định của Bộ Y tế.
Lãnh đạo Bộ y tế, khẳng định: Về giải pháp, phải thống nhất rằng đối tượng cần tiêm vắc xin phòng Covid-19 rất nhiều nhưng chúng ta tiêm chưa hết chứ không phải thừa vắc xin. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh nào không nhận vắc xin, không tiêm thì Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản báo cáo. Đây là tiêm phòng chống dịch theo Nghị quyết của Chính phủ, quy định đối tượng tiêm, nếu không tiêm thì dịch xảy ra thì làm thế nào. Bài học đợt dịch thứ 4, các tỉnh phía Nam đã thấm thía, chỉ có vắc xin mới đánh giá hiệu quả cơ bản trong chống dịch. 

Mạnh Thành

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa OK