(Lamdongtv.vn) - Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Lâm Đồng
Ông Trần Đức Quận - Uỷ viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự có ông Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh; và các ông bà trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các Huyện uỷ, Thành uỷ.
Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Lâm Đồng do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng ra quyết định thành lập. Ông Trần Đức Quân - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban, ngoài ra có 5 Phó Trưởng ban và 9 ủy viên. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh thực hiện theo Quy định số 67, ban hành ngày 2.6.2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ban Chỉ đạo có con dấu riêng theo quy định.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Trần Đức Quận - Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh: Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chủ trương, có ý nghĩa quan trọng góp phần tăng cường sự lãnh, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; là sự quyết tâm của toàn Đảng bộ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị: Các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, phát huy tinh thần trách nhiệm, bám sát các quy định của Trung ương và Quy chế làm việc, nhiệm vụ được phân công để chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương được phân công theo dõi, phụ trách. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu phải nghiêm túc phối hợp với Ban Chỉ đạo khi có yêu cầu giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiểm tra, giám sát, thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, với quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả tốt nhất. Phải chủ động kiểm tra, giám sát phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thuộc địa phương, đơn vị mình quản lý, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm. Qua đó, kịp thời ngăn ngừa, khắc phục hạn chế sai phạm, giảm sai sót./.
Thế Hạnh