(Lamdongtv.vn) - Một trong những lý do chính khiến thời gian qua, nhiều công nhân lao động chấp nhận rời khỏi hệ thống an sinh xã hội, chịu nhiều thiệt thòi để rút sổ bảo hiểm xã hội một lần là bởi vì họ không thể chờ được tới ngày lĩnh lương hưu
Bộ phận 1 cửa của UBND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng; trung bình cứ 3 người lao động đến thì có 1 người rút sổ BHXH một lần. Ngoài lý do dịch bệnh, thì độ tuổi nghỉ hưu quá cao khiến nhiều công nhân không thể chờ đợi được đến ngày lĩnh sổ hưu.
Quy định mới nhất tại Bộ Luật lao động năm 2019 quy địnhtuổi nghỉ hưu sẽ tăng dần 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035; Trên thực tế, đối với rất nhiều lao động trực tiếp, tuổi nghề chỉ kéo dài đến 40 – 45 tuổi. Tại đơn vị này, công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, ngồi máy trong một tư thế nhất định hàng tiếng đồng hồ... nên việc kéo dài độ tuổi nghỉ hưu chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều lao động.
Tại chương trình đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân tổ chức mới diễn ra, Bộ LĐTB&XH cho biết đang chủ trì, hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội năm 2023. Trong đó có đề xuất giảm dần thời gian đóng BHXH xuống mức 15 năm thay vì 20 năm như hiện nay. Với điều kiện này sẽ giúp người lao động đảm bảo quyền lợi hưởng lương hưu tốt hơn cũng như hạn chế việc rút sổ BHXH 1 lần.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần tính đến một số ngành nghề đặc thù để giải quyết chế độ nghỉ hưu sớm cho người lao động.
Trong bối cảnh thâm dụng lao động, rất nhiều công nhân chỉ mới đến 40 - 45 tuổi đã hết tuổi nghề thì rõ ràng ngoài việc giảm thời gian đóng BHXH, cần có những chính sác hỗ trợ các nhóm đối tượng này như chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm để họ có thu nhập ổn định tiếp tục tham gia BHXH, đảm bảo an sinh khi về già.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng