Cùng với lý do giữ chân người lao động, nhiều doanh nghiệp đều đồng tình, ủng hộ việc tăng thu nhập, cải thiện đời sống và chia sẻ với người lao động. Giữ chân người lao động bằng cách tăng lương là một trong những giải pháp của các doanh nghiệp để duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh
Ngày 1/7 là thời điểm chính thức áp dụng tăng lương tối thiểu vùng 6%, sau hơn hai năm chưa điều chỉnh vì dịch bệnh. Đây là lần đầu tiên kể từ khi áp dụng (năm 2009), tiền lương tăng vào giữa năm thay vì đầu năm như thường lệ… Người lao động vui mừng, còn doanh nghiệp mặc dù có lo ngại về chi phí tăng nhưng vẫn rất đồng tình với mong muốn chia sẻ khó khăn cùng người lao động.
Cùng với lý do giữ chân người lao động, nhiều doanh nghiệp đều đồng tình, ủng hộ việc tăng thu nhập, cải thiện đời sống và chia sẻ với người lao động. Giữ chân người lao động bằng cách tăng lương là một trong những giải pháp của các doanh nghiệp để duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng cũng còn khá nhiều những băn khoăn vì lo ngại chi phí gia tăng.
Những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may và da giày chắc chắn sẽ chịu tác động lớn bởi chính sách điều chỉnh lương tối thiểu vùng bởi chi phí đi kèm cũng tăng lên không hề nhỏ.
Thời gian vừa qua, người lao động đã chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Và đến thời điểm này, người lao động lại cần nhận được nhiều hơn nữa những chia sẻ khó khăn bằng hành động cụ thể, nhất là khi chi phí sinh hoạt của họ bị ảnh hưởng bởi giá xăng tăng. Nếu người lao động được đãi ngộ và tiếp sức tốt, chắc chắn họ sẽ có nhiều cống hiến hơn nữa cho doanh nghiệp trong đà phục hồi và phát triển./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng