Liên tiếp những vụ hành hung nhân viên y tế xảy ra gần đây tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn côn đồ nơi bệnh viện
Đây là điều cần sớm được chấn chỉnh và tìm biện pháp loại bỏ để bảo vệ các y bác sĩ, cùng đồng thời góp phần xây dựng môi trường bệnh viện an toàn cho tất cả mọi người.
Chỉ vì không được đáp ứng yêu cầu, hay do bức xúc với việc điều trị mà không ít bệnh nhân và người nhà bệnh nhân “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” hành hung các y tác, bác sĩ. Thậm chí có vụ hàng chục người nhà bệnh nhân dùng hung khí rượt đuổi, đâm chém bác sĩ chỉ vì… không hài lòng! Nhân viên y tế giờ phải “sống trong sợ hãi”.
Bs Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa cấp cứu BV Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh : Rất là lo lắng, rất là sốc, nhưng mình làm nghề này rồi, làm nghề y rồi mặc dù rất sốc nhưng chúng tôi cũng có gắng hết sức cứu bệnh nhân đang cần mình, chứ không vì sự việc lo lắng như vậy mà chúng tôi không hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Vất vả vì quá tải, áp lực chiến đấu với bệnh tật, đua tranh với tử thần để giành sự sống cho người bệnh, giờ các bác sĩ, y tá, điều dưỡng còn phải lo đối phó với nạn côn đồ trong bệnh viện. Để bảo vệ nhân viên y tế trước thói côn đồ của nhiều bệnh nhân và thân nhân, nhiều bệnh viện đã áp dụng các quy trình báo động, giám sát.
Bs Trương Hữu Khanh - Trưởng phòng CTXH, BV Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh : Trước khi sự việc xảy ra thì BV cũng đã tổ chức những cái báo động, tức là khi cần thì bấm nút để báo bảo vệ lên, rồi thiết kế lại hệ thống camera rồi huấn luyện cho điều dưỡng cách ứng xử cũng làm rất là nhiều rồi, nhưng nó vẫn xảy ra.
Hành hung nhân viên y tế đã ngày càng phổ biến ở các cơ sở y tế trong cả nước, đem lại sự lo lắng nơi các y bác sĩ. Bác sĩ thiếu an toàn, bệnh nhân cũng bất an bởi các bác sĩ sẽ khó tập trung cho công việc chuyên môn. Bảo vệ nhân viên y tế, tạo môi trường bệnh viện an toàn là điều hết sức cấp thiết.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh : Chúng tôi cũng đã có sự tăng cường phối hợp mỗi khi có sự cố hoặc là liên quan đến tình hình an ninh trật tự, như là mất cắp, như là bị bạo hành, thì các BS ở BV nhanh chóng gọi về đường dây nóng hoặc theo số 113 của công an để có thể nhờ hỗ trợ một cách tích cực nhất và sớm nhất.
Liệu việc tăng cường bảo vệ, thêm nhiều camera giám sát có ngăn chặn được nạn hành hung nhân viên y tế? Vụ việc mới đây nhất tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đã cho thấy các biện pháp này là chưa đủ. Theo nhiều bác sĩ lâu năm trong nghề, vấn đề nằm ở chỗ con người, và cần nhìn ở cả 2 phía: nhân viên y tế lẫn bệnh nhân và người nhà. Xây dựng môi trường ứng xử, giao tiếp văn minh, trách nhiệm, với sự cảm thông và chia sẻ lẫn nhau là điều cả các y bác sĩ lẫn người dân cần chung tay.
Bs NGUYỄN BÁ MỸ NHI – Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh : Chúng ta lập lại những cái kỷ cương trật tự, đặc biệt là thái độ giao tiếp, ứng xử, đặc biệt làm sao đó học được cách kiềm chế trước những cái mà chúng ta cho rằng là nó gây xúc phạm tới mình.
Các bác sĩ với nhiệm vụ tối thượng là cứu người. Dù bị hành hung, xúc phạm, chửi bới, nhưng các y bác sĩ không vì thế từ bỏ nhiệm vụ cứu người. Ngăn chặn nạn hành hung bác sĩ, cần cả sự tôn trọng, sự chia sẻ giữa người với người, nhưng cũng đồng thời cần lên án, xử lý thích đáng những kẻ côn đồ nơi bệnh viện.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng